Các quận, huyện than phiền thiếu nhiệt kế
Chiều 26.2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, hôm 25.2, Sở đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các địa phương (gồm phòng Giáo dục - Đào tạo và các cơ sở giáo dục) về việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường vào ngày 2.3.
Theo ông Dũng, Sở đã quán triệt đầy đủ nội dung hướng dẫn của liên ngành, yêu cầu chuẩn bị kịch bản, phân vai trách nhiệm cụ thể đến tất cả cán bộ, nhân viên trong trường. Việc nắm bắt thông tin, tổ chức sẽ được đảm bảo tốt nhất để không có kẽ hở, xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Đồng thời, Sở tiếp tục chỉ đạo trong tuần này làm tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn, truyền thông, trao đổi với cha mẹ học sinh để nắm được công tác chuẩn bị và yên tâm cho con em quay trở lại trường học.
“Chúng tôi yêu cầu từ nay cho đến ngày thứ 6 (28.2), các đơn vị phải tập huấn cho tất cả giáo viên về công tác phòng chống dịch, đặc biệt, đo thân nhiệt của học sinh trước, sau khi rời lớp.
Chúng tôi cũng hướng dẫn về chuyên môn để các trường cho học sinh trong thời gian nghỉ vẫn có giải pháp phù hợp tiếp cận, ôn tập kiến thức chuẩn bị cho việc vào học từ ngày 2.3 tới”, ông Dũng nói.
Một số địa phương như quận Bắc Từ Liêm cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.900 nhiệt kế điện tử để sẵn sàng đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp và tan học.
Tuy nhiên, rất nhiều địa phương than phiền về tình trạng khó mua nhiệt kế điện tử, đề nghị thành phố chỉ định nơi mua.
Đơn cử, đại diện huyện Mỹ Đức cho biết: “Trên địa bàn huyện có 1.230 lớp, tức là phải mua 1.230 nhiệt kế, nhưng qua hỏi một số cơ sở thì họ trả lời chỉ có vài chiếc với giá 1,8 triệu đồng/chiếc. Mà họ cũng nói luôn là không thể xuất hóa đơn được, do giá chênh lệch (với giá bình thường)”.
Đại diện thị xã Sơn Tây cũng cho hay, hiện việc mua trang thiết bị, vật tư, đặc biệt là nhiệt kế điện tử, rất khó khăn.
“Theo thống kê, thị xã cần mua hơn 700 nhiệt kế, nhưng trên thị trường rất khó mua. Theo giá báo thì nghe chừng bị đẩy giá lên rất nhiều, trước chỉ mấy trăm nghìn nay bị đẩy lên 1,2 - 1,7 triệu đồng/chiếc. Tôi tin rằng đây là khó khăn chung, nên báo cáo để thành phố có tháo gỡ”, vị này đề nghị.
Chưa phát sinh ổ dịch nào tại trường học ở 41 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ thông tin và đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi về việc chưa có ổ dịch nào phát sinh tại trường học ngoài Trung Quốc.
Theo ông Chung, các chuyên gia dịch tễ đã nghiên cứu sơ bộ, 41 quốc gia/vùng lãnh thổ có dịch (ngoài Trung Quốc) chưa ghi nhận có ổ dịch nào phát sinh từ trường học.
“Tôi nhấn mạnh là ngoài Trung Quốc, chứ Vũ Hán ta chưa có thông tin đầy đủ”, ông Chung nói thêm, đồng thời dẫn thông tin cho biết tỷ lệ lây nhiễm của trẻ từ 1 - 10 tuổi là 1%, 10 - 20 tuổi là 2%, nhưng đều ở thể nhẹ.
Trong 41 nước có dịch bệnh và người nhiễm, chỉ có 2 trường hợp là học sinh ở Nhật Bản, nhưng không phải bị nhiễm ở trường mà ở nơi công cộng.
“Tôi nêu để các cơ quan truyền thông tuyên truyền đến người dân, để phụ huynh học sinh và mọi người yên tâm, vì thực tế nó thế. Hà Nội chưa phát hiện 1 trường hợp nào lây nhiễm chéo. Tất cả các biện pháp mà ta đang khẩn trương áp dụng đây là các biện pháp phòng ngừa.
Nếu Chính phủ quyết định cho học sinh đi học lại từ ngày 2.3 thì các trường học ở Hà Nội đã có 5 - 6 lần khử khuẩn, làm vệ sinh trường học. Sau này, nếu đi học hàng ngày đều làm vệ sinh; khi vào lớp, khi ra về đều rửa tay, đo nhiệt độ thì môi trường trường học cũng là sạch sẽ, an toàn, chứ không phải môi trường nguy hiểm”, ông Chung nhấn mạnh thêm.
“Nghỉ học hay không nghỉ học, cuối tuần này thành phố sẽ quyết định, nhưng phải đảm bảo mấy mục tiêu, trong đó có an toàn tuyệt đối sức khỏe cho học sinh, sinh viên, có sự đánh giá của nhà khoa học, chuyên gia dịch tễ (CDC thành phố) và dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Tôi khẳng định lại một lần nữa là ta tiếp tục theo dõi, kiểm soát, kiểm tra, đến khi đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh thì mới đi học lại”, ông Chung nói.
Bình luận (0)