Chủ tịch hội đồng thẩm định nói gì về đề nghị rà soát sách tiếng Việt lớp 1?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/10/2020 11:18 GMT+7

Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cho biết ông đã nhận được văn bản đề nghị của Bộ GD-ĐT và sẽ tiến hành rà soát.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng nay, 12.10, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 mới đưa vào sử dụng năm học này, cho biết ông đã nhận được công văn của Bộ GD-ĐT về đề nghị rà soát lại sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.
GS Sử cho rằng, đề nghị rà soát của Bộ là cần thiết để đưa ra những thông tin khách quan tới xã hội. Từ hôm nay, Hội đồng thẩm định sẽ làm việc và sau khi có kết quả, sẽ thông tin chính thức.
GS Trần Đình Sử cũng cho biết, trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phản ứng về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều hiện nay (như dùng từ ngữ khó hiểu, khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay, thiếu tính giáo dục…- PV), cũng đã từng được hội đồng thẩm định góp ý và đề nghị tác giả điều chỉnh.
"Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm", GS Sử cho hay. 

Sách giáo khoa lớp 1 đã được thẩm định ra sao?

Hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về sách giáo khoa. Hội đồng thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định.
Theo Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa của từng môn/hoạt động giáo dục đọc độc lập bản thảo trong 15 ngày, sau đó nghe tác giả sách giáo khoa trình bày nội dung và quan điểm. Tiếp theo, Hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả.
Có 3 mức đánh giá bản thảo là “đạt”, “đạt nhưng phải sửa” và “không đạt”. Những bản thảo được đánh giá là đạt nhưng phải sửa, tác giả có 1 tháng để sửa và thẩm định vòng 2 (trình tự giống như vòng 1). Sách được đánh giá không đạt, tác giả và các nhà xuất bản có thể chỉnh sửa để đề nghị thẩm định lại từ đầu.
Với sách giáo khoa lớp 1 được thẩm định vừa qua, sau vòng 1, theo Bộ GD-ĐT, không có bản thảo nào “đạt” ngay, ngoài một số “không đạt”, hầu hết bản thảo “đạt nhưng cần sửa chữa”.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt 1 gồm những ai?
Để thẩm định sách giáo khoa lớp 1, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt gồm 15 thành viên.
Chủ tịch Hội đồng là GS - TS Trần Đình Sử, nhà lý luận văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; chủ biên sách giáo khoa ngữ văn hiện hành lớp 6, 7, 8, 9 (phần làm văn), tổng chủ biên bộ nâng cao sách giáo khoa ngữ văn nâng cao lớp 10, 11, 12. Phó chủ tịch Hội đồng là GS - TS ngôn ngữ học Mai Ngọc Chừ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Trong số 13 thành viên còn lại của Hội đồng, có 1 thư ký Hội đồng là chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT); 5 giáo viên dạy lớp 1 ở các địa phương; trưởng phòng GD-ĐT cấp huyện; hiệu trưởng một số trường tiểu học; giảng viên trường ĐH sư phạm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.