Còn nhiều nỗi lo sau phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/11/2019 08:09 GMT+7

Theo quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều nỗi lo về chọn lựa và sử dụng khi có nhiều sách.

Lo tình trạng độc quyền

Tại cuộc họp báo chiều 22.11 để công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, sử dụng từ năm học 2020 - 2021, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết có 32 SGK của 8 môn học được phê duyệt lần này.
Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “không đạt”.

Trong lựa chọn của địa phương thì luật Giáo dục không quy định lựa chọn theo bộ hay theo môn, do vậy việc lựa chọn làm sao để có một bộ tốt nhất dựa trên chính tính phù hợp của từng bộ môn đó với địa phương

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT
Như vậy, có 38 bản thảo được đánh giá “đạt” sau 2 vòng thẩm định nhưng chỉ có 32 SGK được phê duyệt. 6 bản thảo còn lại, theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, đều là sách của môn tiếng Anh. Do ngoại ngữ và tiếng dân tộc ở lớp 1 là môn tự chọn nên Bộ phê duyệt SGK các môn học bắt buộc trước, các môn tự chọn phê duyệt sau.
Trong số SGK được phê duyệt, Nhà xuất bản Giáo dục VN có tới 24/32 SGK được chọn, dẫn tới băn khoăn về tình trạng độc quyền. Ông Thái Văn Tài giải thích: “Độc quyền chỉ xảy ra khi có một bộ SGK, còn bây giờ chúng ta có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau thì đã thể hiện sự đa dạng của SGK. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên quá băn khoăn đối với việc sẽ xảy ra tình trạng độc quyền SGK”.

Chọn SGK theo môn là “thông minh nhất” ?

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết bộ này đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của luật Giáo dục, nhằm hướng dẫn việc lựa chọn sách theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

Sẽ xây dựng cơ chế giá SGK phù hợp

Trước nhiều ý kiến lo ngại giá SGK mới sẽ đắt hơn so với SGK hiện hành nhiều lần, nhiều đơn vị cung ứng SGK đã nêu hình dung ban đầu về giá SGK, ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết tại Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay, SGK ảnh hưởng ở phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.
Trong thông tư, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD-ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn sách đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc làm thế nào để tránh tình trạng một địa phương chỉ chọn một bộ SGK, làm mất ý nghĩa của quy định nhiều SGK. Bộ có cơ chế nào để các nhà trường và giáo viên có thể sử dụng cả những SGK mà hội đồng chọn sách của tỉnh/thành ấy không lựa chọn?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang giao Cục Cơ sở vật chất chủ trì xây dựng dự thảo đề án củng cố, nâng cao chất lượng thư viện trường phổ thông. Kinh phí hoạt động của thư viện tập trung vào xã hội hóa, ví dụ: kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cựu học sinh có hoạt động đóng góp sách cho thư viện. Việc này mà làm tốt thì đặc biệt có ý nghĩa khi có nhiều bộ SGK vì chỉ sau một vài năm, kho SGK trong nhà trường sẽ trở nên dồi dào, để HS nào có nhu cầu mượn thì thư viện nhà trường sẽ đáp ứng được.

Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học)

Ông Thái Văn Tài cho rằng một trong những trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị đầy đủ SGK theo đúng chương trình đã được phê duyệt để người dạy và người học có quyền tiếp cận, tham khảo. Còn tài liệu chính thức được giảng dạy thì phụ thuộc vào quyết định lựa chọn mà hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh phê duyệt. “Trong lựa chọn của địa phương thì luật Giáo dục không quy định lựa chọn theo bộ hay theo môn, do vậy việc lựa chọn làm sao để có một bộ tốt nhất dựa trên chính tính phù hợp của từng bộ môn đó với địa phương. Đây là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng”, ông Tài nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, khẳng định về nguyên tắc tất cả các SGK được Bộ trưởng phê duyệt đều được sử dụng trong nhà trường.
Trước băn khoăn về việc chuyển trường, thi cử đánh giá khi có nhiều SGK, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng hoàn toàn không ảnh hưởng gì vì thi cử, đánh giá theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông và đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhất. Nội dung đề thi sẽ không sử dụng ngữ liệu trong một cuốn SGK cụ thể nào.

Thủ tướng yêu cầu đối thoại sách công nghệ, Bộ nói đã đối thoại 2 lần

PV Thanh Niên đặt câu hỏi về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát lại việc thẩm định SGK, tổ chức đối thoại công khai về bản thảo sách thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, ông Thái Văn Tài cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng để nói rõ lý do sách của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã đối thoại với tác giả 2 lần và “GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với những người liên quan và nếu tác giả có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng tổ chức đối thoại lại”, ông Tài nói.

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông có mức kinh phí 4,5 triệu USD dành cho việc mua SGK ở tất cả các lớp, cấp học, trang bị thư viện cho các trường vùng khó khăn để học sinh mượn học. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các địa phương để xác định nhu cầu mua SGK này. Khi hội đồng chọn sách cấp tỉnh chọn SGK nào thì sẽ mua đúng sách ấy cho thư viện ở nơi đó để học sinh mượn.

Nguyễn Xuân Thành (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)
Về việc rà soát lại kết quả thẩm định, ông Tài cho rằng: Bộ nhận kết quả và bản thảo SGK từ hội đồng thẩm định từ ngày 15.10 và từ đó đến nay chính là quá trình Bộ tiến hành rà soát lại toàn bộ kết quả từ hội đồng thẩm định, bản thảo SGK được đánh giá đạt. Tính pháp lý và các quy trình liên quan đã được tiến hành rất chặt chẽ. Riêng với sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tiến hành đánh giá lại và kết quả đánh giá tại thời điểm ấy đã kết luận sách chỉ phù hợp với chương trình hiện hành cho đến khi triển khai chương trình SGK mới.
Cũng theo ông Tài: Hầu hết tác giả có bản mẫu SGK xếp loại “không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD-ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12.2019.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.