Tránh tiêu cực chọn sách giáo khoa mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/11/2019 07:12 GMT+7

Hôm nay (22.11), Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức những sách giáo khoa đã được Bộ trưởng phê duyệt. Nhiều sách giáo khoa là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông nhưng việc vận hành cơ chế mới mẻ này như thế nào để việc cạnh tranh lành mạnh là vấn đề bức thiết.

 

Những tín hiệu đáng… lo

Thời điểm trước khi Bộ GD-ĐT công bố các sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt, một số nhà xuất bản đã có động thái “công bố” theo cách của riêng mình. Nơi thì tổ chức hội thảo giới thiệu các “bản thảo SGK”, gửi công văn đến các địa phương giới thiệu SGK. Thậm chí trong công văn mà nhà xuất bản này gửi các địa phương còn chỉ đích danh tên một công ty khác tham gia biên soạn và xuất bản SGK với khuyến cáo đại ý là công ty đó có cá nhân nguyên là cán bộ của nhà xuất bản đã nghỉ hưu, để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, chúng tôi xin thông báo công ty… không phải là đơn vị thuộc hệ thống của nhà xuất bản…
Giới thiệu các mẫu sách giáo khoa mới ở các hội thảo Ảnh: TUYẾT MAI

Giới thiệu các mẫu sách giáo khoa mới ở các hội thảo

Tuyết Mai

Mặt khác, có nơi thì giám đốc Sở GD-ĐT thậm chí còn trực tiếp lên diễn đàn công khai ca ngợi hết lời về một bộ SGK. Nơi khác thì lãnh đạo một sở GD-ĐT cũng đăng đàn phát biểu rằng “dù chưa thành lập hội đồng chọn SGK và chưa biết Bộ sẽ hướng dẫn chọn ra sao nhưng “từ bé đến giờ” tôi đã quen khi nghĩ đến SGK chỉ nghĩ về sách của một nhà xuất bản duy nhất...”.
Về phía các nhà xuất bản có bản thảo SGK dù mới đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng đã có biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh khi đưa ra những “khuyến cáo” và cả quảng cáo quá lố, hoàn toàn không cần thiết nếu xét trên phương diện mọi cuốn SGK đều có cơ hội bình đẳng trên thị trường. Còn các vị giám đốc sở, dù vô tình hay cố ý thì trong bối cảnh chưa tiếp cận với những bộ SGK chính thức, không nên phát biểu thiên vị về bất cứ một bản thảo SGK nào, kể cả khi nói về “thói quen” sử dụng SGK của bản thân.
Tất cả những động thái đó khiến dư luận trong và ngoài ngành hoàn toàn có quyền lo ngại về những biến tướng của việc cạnh tranh khi vận hành nhiều SGK ở nước ta.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nêu quan điểm: “Tôi chưa rõ thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể thế nào. Nhưng để các địa phương lựa chọn được những quyển SGK phù hợp nhất cho từng môn học, thì việc lựa chọn sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Tôi được biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng.
Làm theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng thì người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau”.

Bộ không quy định mỗi tỉnh có 1 hay nhiều bộ SGK

Bộ GD-ĐT cũng đã chia sẻ quan điểm sẽ không quy định mỗi địa phương chọn mấy bộ SGK trong dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách. Điều này tạo cơ hội chủ động cho các địa phương nhưng cũng sẽ dễ dẫn tới tình huống các địa phương chọn phương án an toàn và dễ quản lý thì sẽ chỉ chọn 1 bộ SGK để sử dụng cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh/thành của mình. Không quen với việc có nhiều SGK và vẫn coi SGK là “pháp lệnh” nên đã có những ý kiến lo ngại kiểu như: Nếu chọn nhiều SGK đến lúc thi thì theo sách nào; hoặc trường A chọn SGK A, đến khi học sinh (HS) trường A chuyển trường sang trường B học theo SGK B thì có theo được không...
Xung quanh vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Với quy định “một chương trình, nhiều SGK” của Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục (sửa đổi) thì chương trình là văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ, còn những quyển SGK hay bộ SGK cụ thể chỉ là những phương án cụ thể hóa chương trình, chỉ đóng vai trò tài liệu để giáo viên (GV) tham khảo.
“Ở nhiều nước, người ta chỉ dựa vào những quyển SGK đó để biên soạn tài liệu dạy học cho phù hợp với HS của mình, chứ không phải dạy từng chữ theo sách, thi cử theo sách”, ông Thuyết nói.
Ông Thuyết cũng cho rằng nếu ở mỗi tỉnh hoặc mỗi trường, GV một môn học chỉ dạy theo một quyển SGK thì đó thực chất vẫn là “một chương trình, một bộ SGK”. Nhà nước cần có biện pháp kết hợp kinh phí ngân sách và động viên nguồn lực xã hội để thư viện trường có đủ các bộ SGK cho mỗi GV, HS mượn, sử dụng tại lớp. Khi đó, GV sẽ lựa chọn những bài phù hợp nhất ở những quyển SGK khác nhau để dạy cho HS của mình. Như vậy mới phát huy được lợi thế của chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Mỗi môn học sẽ có một hội đồng thẩm định SGK của địa phương mình. Bộ không quy định mỗi tỉnh có một hay nhiều SGK. Bộ hướng dẫn để địa phương lựa chọn sách phù hợp với địa phương mình, việc lựa chọn phải đảm bảo công khai minh bạch”.

Dạy thử mới biết sách nào phù hợp

Do chưa có hướng dẫn về chọn SGK nên nhiều GV trực tiếp đứng lớp đều có mối quan tâm đặc biệt về quy trình chọn. Câu hỏi đặt ra là sau khi Bộ ban hành danh mục SGK được chính thức phê duyệt thì việc chọn sẽ được tiến hành ngay bằng việc xem, đọc cuốn SGK ấy hay GV đứng lớp có quyền dạy thử rồi nêu đề xuất SGK nào là phù hợp?
Bà Nguyễn Thu Hiền, GV Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ: “Đây là việc mà GV chưa từng được làm quen nên chắc chắn sẽ phải có những hướng dẫn cụ thể”. Tuy nhiên, mong muốn của bà Hiền cũng như GV nói chung thì GV cần sớm được tiếp cận với các bộ SGK khác nhau sau khi đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt.
“Khi có nhiều cuốn hoặc nhiều bộ SGK trong tay thì chúng tôi sẽ phải nghiên cứu, thiết kế một số bài giảng cụ thể và đặc biệt là phải tiến hành dạy thử để xem SGK nào phù hợp với HS của mình rồi mới đi đến đề xuất lựa chọn”, bà Hiền nói.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Theo quy trình biên soạn SGK thì sau khi biên soạn xong phải thử nghiệm và sau đó mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chính thức. Do vậy việc thẩm định của hội đồng thẩm định mới chỉ bước 1, khẳng định bộ SGK ấy đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới; bước 2 phải có việc thực hiện thực nghiệm bộ SGK ấy trong thực tế dạy học và hiệu chỉnh SGK trước khi đưa vào in ấn, xuất bản và tiến hành giảng dạy đại trà.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông lo ngại việc tập huấn, bồi dưỡng GV dạy lớp 1 nếu chưa bắt đầu từ bây giờ là đã muộn. Theo ông Ân, phải tập huấn cho GV trong môi trường thực, không giả định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại về sách của GS Hồ Ngọc Đại

Liên quan đến ý kiến của PGS-TS Nguyễn Kế Hào về kết quả thẩm định các bản mẫu SGK môn tiếng Việt lớp 1, toán lớp 1 do GS-TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS-TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “chương trình thực nghiệm”; chỉ đạo rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật”.

Ý kiến

Cùng với các nguyên tắc trên, việc lựa chọn SGK phải đảm bảo các yêu cầu như chọn đủ cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp; phù hợp với việc dạy và học; bảo đảm nguồn cung ứng SGK được lựa chọn theo nhu cầu của HS và các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm cung cấp đúng thời điểm và có giá bán hợp lý.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND TP thành lập Hội đồng lựa chọn SGK, ban môn học, tham mưu xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK cho hội đồng này. Sau khi có danh mục SGK do Bộ trưởng phê duyệt, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn; thông báo SGK được lựa chọn đến GV, HS, phụ huynh; mua sách dùng chung trong nhà trường…
Chử Xuân Dũng (Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)
GV cần phải có tinh thần chủ động tham gia vào việc lựa chọn SGK nên cần tạo điều kiện tiếp cận với các bộ sách một cách sớm nhất. Cần một quy trình lựa chọn bài bản. Chẳng hạn, GV tham gia ý kiến nhận xét với tổ chuyên môn, từ ý kiến thực tế dưới đơn vị trường học, phòng GD quận, huyện tổng hợp ý kiến về Sở. Sau đó một hội đồng lựa chọn của TP, với các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, giáo viên cốt cán, quản lý… căn cứ trên những nhận định của GV để có thể lựa chọn ra những bộ sách phù hợp.
Đỗ Thế Phương (Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.Nguyễn - B.Thanh (ghi)

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.