Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan, dự Hội nghị APEC

16/11/2022 05:35 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok từ ngày 16 - 19.11.

Thông tin về chuyến thăm khi trả lời TTXVN vào ngày 15.11, ông Phan Chí Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cho biết: “Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đến Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013”. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số lãnh đạo các nền kinh tế thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC lần này.

Không ngừng phát triển quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Theo Đại sứ Phan Chí Thành, trong 24 năm qua, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực sự đã thay đổi về chất, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật đến giao lưu nhân dân.

Trên đà những thành công đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng và Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, trong chuyến thăm Thái Lan năm 2017

TTXVN

“Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mê Kông, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”, Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh.

Dự kiến, Chủ tịch nước và Phu nhân ra sẽ có cuộc hội kiến với Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu; Chủ tịch nước và lãnh đạo một số bộ sẽ hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và các thành viên nội các Thái Lan; dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có Bản Kế hoạch hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027; gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan; dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thái Lan; dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và các hoạt động khác. Đặc biệt hai bên sẽ ra Tuyên bố chung khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm, trong đó nhấn mạnh các biện pháp mới nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực trong bối cảnh quốc tế hiện nay; tiếp tục phối hợp lập trường trong một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Tích cực đóng góp cho APEC

Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch nước và đoàn cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 tại Bangkok.

“Trong năm 2022, Thái Lan đã tổ chức rất thành công hơn 120 cuộc họp trong khuôn khổ APEC. Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề xuyên suốt của Năm APEC 2022 là "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng" với tầm nhìn về một APEC mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi phương diện, cân bằng trên mọi khía cạnh; tập trung vào ba ưu tiên, gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh”, Đại sứ Phan Chí Thành thông tin.

Trong 24 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị…

Cùng với đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.

Lãnh đạo Nhật - Trung hội đàm bên lề APEC ?

Đài NHK ngày 15.11 dẫn thông báo của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan vào ngày 17.11. Ông Matsuno nhấn mạnh hai bên cần hợp tác để giải quyết những thách thức chung, xây dựng mối quan hệ song phương “xây dựng và ổn định”.

Đến nay, Trung Quốc chưa xác nhận về cuộc gặp sắp tới. Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 14.11, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không có thông tin gì để cung cấp, theo tờ South China Morning Post.

Trong cuộc gặp bên lề hội nghị cấp cao Đông Á tại Campuchia cuối tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Kishida rằng hai nước là láng giềng không thể tách rời và cả hai đều cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và kinh tế, trao đổi nhân dân, theo Tân Hoa xã.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.