Đề xuất 5 chính sách đặc thù phát triển Buôn Ma Thuột
Sáng 24.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường |
gia hân |
Báo cáo tóm tắt nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất 5 chính sách đặc thù cho TP.Buôn Ma Thuột.
Cụ thể, về mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị cho Đắk Lắk nâng tổng mức dư nợ vay lên mức 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần tăng thêm được dùng toàn bộ để đầu tư cho các dự án trên địa bàn TP.Buôn Mê Thuột.
Về định mức phân bổ chi thường xuyên, Chính phủ cũng đề xuất cho tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP.Buôn Ma Thuột.
Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của TP.Buôn Ma Thuột.
Về ưu đãi thuế, đề xuất của chính phủ là dự án đầu tư thuộc một số ngành nghề ưu tiên tại TP.Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Với quản lý quy hoạch, Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP.Buôn Ma Thuột.
Một chính sách mới được đề xuất là ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Chính phủ đề xuất, chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP.Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại TP.Buôn Ma Thuột.
Chính phủ đề nghị các chính sách đặc thù sẽ được áp dụng trong 5 năm sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, một số ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị xem xét thêm vì các chính sách có phạm vi hẹp; chưa mang tính đột phá, chưa sáng tạo, còn dập khuôn, đi theo lối mòn; chưa có tính lan tỏa vùng miền.
Với chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc thêm vì với hiện nay chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà lại gây bất bình đẳng và mất số thu.
Ông Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị không áp dụng quy định trên, vì luật thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì mới được xem xét giảm thuế; không ưu đãi thuế đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
"Thể chế ngay trước mắt các đồng chí cứ tìm đâu đâu"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
gia hân |
Nêu ý kiến, hầu hết các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất cho TP.Buôn Ma Thuột còn ít.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cơ chế đặc thù như trên là hẹp quá. Ông Định đề nghị nghiên cứu để có thể giảm thuế ở mức nhiều hơn nữa.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là lần đầu tiên xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, song đây là thành phố lớn nhất của Tây Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn là chính sách như đề xuất của Chính phủ còn "hẻo" quá.
Từ đặc thù của Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê, ông Vương Đình Huệ gợi ý cần nghiên cứu để có thể có đề án với mức ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê.
Ông Huệ cũng gợi ý chính sách cho phép Buôn Ma Thuột sử dụng nguồn ngân sách từ việc xử lý các trụ sở, công trình của T.Ư trên địa bàn. "Nhiều khi thể chế chính sách ngay trước mắt nhưng các đồng chí cứ đi tìm ở đâu đâu", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Hồi âm ý kiến thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình cơ chế đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Ông Dũng đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội là chính sách còn "hẻo" quá, song cũng cho biết một số các ưu đãi khác thì đã nằm ở các chương trinh, đề án của Chính phủ.
Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp 4 (10.2022).
Bình luận (0)