Chủ tịch Quốc hội: Tiền có còn chưa tiêu hết, nói gì đến gói kích thích mới

Anh Vũ
Anh Vũ
11/11/2021 18:16 GMT+7

Sốt ruột với tình trạng giải ngân đầu tư công quá chậm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp để xử lý triệt để trong thời gian tới, theo chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chiều 11.11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời chất vấn tại Quốc hội với nhiều vấn đề nóng về đầu tư công, giải ngân vốn ODA chậm và phục hồi kinh tế sau dịch. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp để khắc phục tình trạng tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp trong thời gian quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân đầu tư công chậm được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm và nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Trong đó, công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Từ chủ trương đến thực hiện phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn do giải phóng mặt bằng - câu chuyện muôn thủa do vướng luật Đất đai, vướng giá đền bù, nguồn gốc đất, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân. Theo Bộ trưởng, năm 2021, có nguyên nhân chúng ta bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng cao…

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
gia hân

Theo ông Dũng, hiện nay luật đã phân cấp hết về địa phương từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn đã phân cấp….

“Tôi xin nói rõ lại vấn đề này một lần nữa để xem trách nhiệm ở đâu, của ai. Trong tay tôi có danh sách 63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân đây. Trong đó có 30 tỉnh, thành đến hết tháng 10 năm nay giải ngân dưới 60%. Đại biểu nào cần làm rõ hơn tại sao địa phương nào chưa giải ngân được, xin các đồng chí ở địa phương trả lời giúp cho chúng tôi vấn đề này. Còn trách nhiệm nào của Bộ, tôi đã cầu thị lắng nghe”, ông Dũng nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tiếp tục chất vấn: “Tôi nhất trí với Bộ trưởng có nguyên nhân do khâu thực hiện… nhưng tôi xin trao đổi với chuyện tồn tại nhiều năm. Bộ gác cửa cho Chính phủ về lĩnh vực này, giải pháp của Bộ như nào để chấn chỉnh và khắc phục ngay, còn cứ đề tồn tại mãi như này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Trách nhiệm của Bộ cũng như Bộ trưởng làm sao khắc phục tồn tại do khâu tổ chức thực hiện, yếu tố chủ quan gây nên?”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn
gia hân

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “cắt ngang”, cho rằng Bộ trưởng sẽ phải có phát biểu, giải trình thêm. Năm 2020, theo Chủ tịch Quốc hội, giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ 98%. Năm 2021 lẽ ra phải tiến bộ hơn, nhưng hết 10 tháng mà chỉ giải ngân được 50%. Vì sao trong cùng một thể chế pháp luật như nhau lại có đơn vị giải ngân nơi cao, nơi thấp? Vấn đề quan trọng, nguyên nhân khách quan, chủ quan, cốt lõi của nó là gì, đột phá vào đâu để giải quyết?

“Doanh nghiệp, người dân đều mong muốn có gói kích thích mới, nhưng toàn bộ số tiền ta có chưa tiêu hết thì tiêu mới cái gì, năng lực hấp thu mới như thế nào? 16.000 tỉ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào; 56.000 tỉ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ được. Không chỉ năm 2021 mà tới 2022, nếu ta không làm rõ chuyện này cuối cùng rồi Quốc hội chất vấn xong có Nghị quyết thì tôi thấy thì tình hình vẫn như vậy”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, và yêu cầu trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ, tình hình kiểm tra, giám sát, từng nguyên nhân vướng mắc như thế nào, chứ không thể nói chung chung.

“Năm ngoái chúng ta cũng bị Covid-19, cũng lo bao việc lớn từ hội nghị, đại hội… tại sao giải ngân được lớn?. Cái này qua ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phải nói rõ câu chuyện này. Chúng ta không để tình hình này kéo dài mãi, trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn. Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ gói kia nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có còn chưa tiêu được thì chúng ta nói cái gì”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.