Chiều 15.1, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 (về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù) TP.HCM họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1.8.2023. Báo cáo kết quả hơn 5 tháng triển khai, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, HĐND TP.HCM đã thông 24 nghị quyết cụ thể hóa 19/27 cơ chế, còn UBND TP.HCM hoàn thành 6/25 nội dung, cho ý kiến để các cơ quan chủ trì bổ sung hoàn thiện 19/25 nội dung còn lại.
Nêu một số vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 98, ông Hoan cho hay, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số chính sách mới của bộ ngành chưa kịp tiến độ đề ra.
Trong đó, trọng tâm là 4 nghị định về: quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hướng dẫn việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM.
Ông Hoan đánh giá việc phối hợp giữa TP.HCM với bộ ngành chưa ổn bởi hầu hết kiến nghị của TP.HCM đều báo cáo trực tiếp Thủ tướng, chưa phát huy được vai trò của bộ ngành với tư cách thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 cấp Chính phủ.
Bên cạnh đó, một số cơ chế đặc thù cần thêm thời gian mới có thể triển khai được trên thực tế do phải tuân thủ các bước quy trình thủ tục. Đơn cử như chính sách phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cần phải thực hiện nhiều bước như rà soát quy hoạch đô thị, rà soát quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến giao thông, xác định nguồn vốn bố trí để thu hồi đất đấu giá.
Lý giải thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, bản thân Nghị quyết 98 là cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhưng việc hướng dẫn thực hiện vẫn làm theo quy trình, quy định hiện hành khiến việc cụ thể hóa một số chính sách còn chậm. "Bản thân Nghị quyết 98 không tự nhiên thành tiền, thành bạc, thành vật chất mà phải qua quá trình tổ chức thực hiện", ông Mãi nói.
Tiên phong thị trường tín chỉ carbon
Trao đổi tại phiên họp, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nêu khó khăn, vướng mắc lớn nhất liên quan đến cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon bởi đây là vấn đề mới, TP.HCM là địa phương tiên phong.
Theo ông Thắng, đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch còn Bộ TN-MT ban hành quy tắc, quy định giao dịch nhưng đến nay vẫn chưa có. "Nếu chưa có quy định thì việc mua bán chưa thể thực hiện", ông Thắng giải thích.
Về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 TP.HCM, nhận định vài năm nữa, tín chỉ carbon trở thành công cụ bảo hộ mậu dịch. Đối với TP.HCM, rừng Cần Giờ là tài nguyên lớn nhất và thành phố có thể bán tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.
"TP.HCM phải làm trước để hình thành thị trường. Chúng ta có thể tham khảo cách làm của thế giới để hình thành thị trường, nếu thành phố không làm trước, cả nước cũng sẽ khó khăn", chuyên gia nhìn nhận.
Bình luận (0)