Chủ tịch TP.HCM: 'Đừng đổ thừa do dữ liệu, ứng dụng chưa được rồi chậm trễ'

26/06/2023 19:22 GMT+7

"Các đơn vị phải chủ động, phần việc của mình thì tập trung thực hiện, đừng đổ thừa do dữ liệu này chưa được, ứng dụng kia chưa được rồi chậm trễ", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Chiều 26.6, Ban chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM họp trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 đánh giá tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) cho biết đến nay Công an TP.HCM đã thu nhận gần 7,4 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip, hơn 1,9 triệu hồ sơ định danh điện tử trên địa bàn. Với số lượng trên, ngành công an thành phố đã thu nhận 100% các trường hợp đủ điều kiện, hoàn thành trước 34 ngày so với thời gian đăng ký với Bộ Công an.

Người dân sẽ bớt phiền hà nhờ VNeID

Về việc ứng dụng dữ liệu vào các lĩnh vực, tính đến ngày 9.6, số lượng CCCD đã được đồng bộ với thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh bằng CCCD gần 6,7 triệu thẻ. Toàn thành phố có 409 cơ sở khám chữa bệnh cho phép sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh; gần 3,9 triệu người dân sử dụng CCCD để khám chữa bệnh.

Sở Tư pháp đã hoàn thành việc số hóa hộ tịch, cấu hình khai báo và kết nối thành công 22 thủ tục thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp và hộ tịch sẵn sàng triển khai chính thức cho cấp huyện, cấp xã.

Chủ tịch TP.HCM: 'Đừng đổ thừa do dữ liệu, ứng dụng  chưa được rồi chậm trễ' - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ thông tin tình hình thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2023

SỸ ĐÔNG

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT cho biết Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM đã cung cấp 1.542 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 227 dịch vụ công toàn trình. Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống này, khắc phục các hạn chế trong thời gian đầu, liên tục tiếp thu ý kiến người dân.

Về nhiệm vụ sắp tới, bà Trinh cho biết trên cơ sở dữ liệu số hóa các ngành kết nối dữ liệu định danh công dân, thành phố đẩy nhanh việc đơn giản hóa quy trình, giảm giấy tờ thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính. "Khi đó, người dân chỉ thông qua tài khoản VNeID để yêu cầu dịch vụ mà không cần giấy tờ, thủ tục phức tạp", bà Trinh nói.

Ngoài ra, TP.HCM cũng phối hợp với Bộ Công an triển khai 20 mô hình điểm về ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia nhằm làm cơ sở đánh giá hoàn thiện và thực hiện nhân rộng nâng cao hiệu quả đề án.

Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt

Ở cấp địa phương, Q.Gò Vấp triển khai 5 mô hình: điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip, tiếp nhận thông báo lưu trú trực tuyến, cấp tài khoản an sinh xã hội và chi trả không dùng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết nhờ 56 điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mà tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tăng lên rõ rệt, trong đó có 4 thủ tục đăng ký cư trú đạt trên 95%.

Đối với mô hình tiếp nhận thông báo lưu trú trực tuyến, công an tiếp nhận đối với toàn bộ 171 khách sạn trên địa bàn, 6 tháng đầu năm có gần 28.000 lượt khách thông báo lưu trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Còn với mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, toàn quận có 59 trường với hơn 76.000 học sinh, trong đó có gần 48.000 học sinh tham gia (tỷ lệ 63%). "Mô hình này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm được nhiều thời gian, thuận tiện cho phụ huynh khi thanh toán học phí", ông Dũng nói.

Chủ tịch TP.HCM: 'Đừng đổ thừa do dữ liệu, ứng dụng  chưa được rồi chậm trễ' - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận cuộc họp

SỸ ĐÔNG

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành tiếp tục tạo lập, làm sạch dữ liệu và liên thông dữ liệu để phát huy, nhất là các lĩnh vực được chọn làm trước như tài nguyên, môi trường, xây dựng, quy hoạch.

Cơ sở dữ liệu được tạo lập sẽ được ứng dụng vào 25 dịch vụ công thiết yếu và mở rộng số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Song song đó, các đơn vị quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức và cơ sở vật chất để điều kiện triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.

"Các đơn vị phải chủ động, phần việc của mình thì tập trung thực hiện, đừng đổ thừa do dữ liệu này chưa được, ứng dụng kia chưa được rồi chậm trễ", Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý. Đối với các vướng mắc, UBND TP.HCM sẽ có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng, Ban chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ để nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ, phát huy hiệu quả.

Về công tác truyền thông, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu phải đa dạng hình thức, bao gồm truyền thông nội bộ trong đội ngũ cán bộ, công chức và truyền thông để người dân hiểu, biết và tham gia.

Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị mở rộng các mô hình thí điểm đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng VneID. Đối với thanh toán không dùng tiền mặt, có thể mở rộng ra các hoạt động khác như y tế, giáo dục, chi trả bồi thường, chi bảo trợ xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) đánh giá cao những kết quả của TP.HCM, trong đó có nhiều mô hình mới, hiệu quả cao như cấp căn cước công dân gắn chip, khai báo lưu trú qua phần mềm ASM…

Trong thời gian tới, lãnh đạo C06 đề nghị TP.HCM tiếp tục tuyên truyền về Đề án 06, ứng dụng VNeID để hướng tới hình thành công dân số, chính phủ số; tiếp tục làm sạch dữ liệu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung…

Công an TP.HCM chỉ đạo PC06 và công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức cấp CCCD gắn chip cho công dân khi đến độ tuổi; làm sạch dữ liệu dân cư, cấp định danh điện tử.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.