Chủ tịch TP.Thủ Đức: 11 dự án tạm dừng vì lý do khách quan

09/12/2022 11:07 GMT+7

Toàn TP.HCM có 17 dự án tạm dừng trong năm 2023 thì 11 dự án ở TP.Thủ Đức. Theo giải thích của lãnh đạo địa phương, việc tạm dừng vì lý do khách quan, do ưu tiên nguồn vốn cho các dự án quan trọng.

Sáng 9.12, kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM giám sát trực tiếp tình hình thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 16 quận.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đánh giá công tác phối hợp giữa sở ngành với các quận có nơi làm tích cực, có nơi làm chậm khiến địa phương gặp ách tắc. Do vậy, cần tăng cường thanh tra công vụ, bóc tách một số vụ việc cụ thể để xác định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan.

Hồ sơ nộp sau nhưng được giải quyết trước?

Đối với TP.Thủ Đức, ông Bình nói khi thành lập, người dân kỳ vọng rất lớn nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ông Bình cho rằng trách nhiệm của lãnh đạo TP.Thủ Đức cần đánh giá sát thực tế bởi người dân phản ánh rất nhiều về giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

“Chúng tôi chia sẻ áp lực khối lượng công việc lớn nhưng đây có phải là nguyên nhân chính, người dân phản ánh nộp hồ sơ sau nhưng giải quyết trước”, ông Bình nói.

Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM nêu phản ánh hồ sơ nộp sau nhưng được giải quyết trước ở TP.Thủ Đức

nguyên vũ

Trong 17 dự án mà UBND TP.HCM đề xuất dừng triển khai trong năm 2023, có tới 11 dự án ở TP.Thủ Đức, gồm 5 trường học và 6 dự án giao thông, trong đó có nhiều tuyến đường kết nối vùng như Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp. "Nếu dừng rồi thì việc đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục ở Thủ Đức sẽ như thế nào?", ông Bình đặt câu hỏi.

Kiến nghị phân cấp, ủy quyền thêm cho TP.Thủ Đức

Trả lời, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nói rằng ngoài 11 dự án trên, TP.Thủ Đức mong muốn được ghi vốn cho nhiều dự án khác. Tuy nhiên, khi làm việc với Sở KH-ĐT để lên danh mục đầu tư công trung hạn, đa phần là dự án chuyển tiếp, cần bố trí đủ nguồn.

Theo ông Tùng, 11 dự án giãn tiến độ có lý do khách quan bởi TP.HCM ưu tiên vốn các dự án quan trọng khác, và sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trả lời về các dự án dừng triển khai trong năm 2023

sỹ đông

Về đầu tư công năm 2022, ông Tùng cho biết TP.Thủ Đức được giao khoảng 2.900 tỉ đồng, trong đó khoảng 1.600 tỉ đồng là vốn bồi thường. Dự kiến đến ngày 15.12, tỷ lệ giải ngân hơn 95%. “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng xây dựng dự án trong năm 2023”, ông Tùng nói.

Về hồ sơ hành chính, ông Hoàng Tùng cho hay bản thân và chính quyền tiếp nhận rất nhiều phản ánh, phê bình từ cử tri, người dân liên quan đến các thủ tục đất đai. Ngoài trách nhiệm của TP.Thủ Đức, ông Tùng cho rằng còn có sự tham gia của Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (trực thuộc Sở TN-MT).

Ông Tùng nhận trách nhiệm với cử tri về việc này, đồng thời cam kết sẽ chấn chỉnh công tác phối hợp của TP.Thủ Đức với các đơn vị liên quan để giải quyết hồ sơ đúng tiến độ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi về phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức

sỹ đông

Trao đổi thêm về phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất ủy quyền cho chính quyền TP.Thủ Đức một số chức năng, nhiệm vụ của UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số sở, ngành về cho UBND TP.Thủ Đức; thành lập 3 trung tâm lớn để quản lý về đầu tư thương mại, xúc tiến, hạ tầng kỹ thuật.

Về phân bổ nguồn lực, ông Hoan cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định pháp luật theo hướng kinh phí để lại cho Thủ Đức thì giao luôn thẩm quyền quyết định các dự án.

5 giải pháp phát huy năng lực cán bộ, công chức

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã giao Sở Nội vụ làm đề án phát huy năng lực đội ngũ cán bộ với 5 nội dung chính.

Thứ nhất là thu hút người tài, không chỉ ngoài hệ thống mà còn cả cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị có năng lực nổi trội, xuất sắc.

Thứ hai là nhà ở, bởi qua thống kê chưa đầy đủ, có 13.000 công chức, viên chức có nhu cầu về nhà ở. TP.HCM sẽ tiếp cận theo hướng có nhà bán, nhà thuê mua, nhà thuê.

Thứ ba là chính sách đào tạo cán bộ hằng năm cho sát công việc, chức danh. Mỗi năm dành 2 tuần cập nhật kiến thức, học cách làm mới phục vụ công việc tốt hơn.

Thứ tư là tăng thu nhập. UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM chi thu nhập tăng thêm bằng 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Ông Mãi cho biết sẽ cố gắng cân đối nguồn thu để thực hiện chi thu nhập tăng thêm, giúp cán bộ, công chức có thu nhập cơ bản, yên tâm làm việc.

Cuối cùng, TP.HCM sẽ có chính sách đề bạt, bố trí các cán bộ, công chức có đóng góp xứng đáng vào vị trí cao hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.