Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Học sinh cần học AI từ lớp 10

30/12/2021 19:23 GMT+7

Nhắc đến việc phát triển nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo (AI), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng chương trình học tin học cần đánh giá lại, lớp 9 học tin học cơ bản, nhưng có thể học ngay từ lớp 10 về AI .

Những đề xuất này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra trong chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo diễn ra tại TP.HCM chiều nay 30.12.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi trả lời những thắc mắc của sinh viên tại chương trình

HOA NỮ

Làm sao để học sinh không tắt mic, tắt camera khi học trực tuyến?

Tại chương trình, nhiều sinh viên đã gửi đến lãnh đạo thành phố những kiến nghị và đề xuất về việc phát triển trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Ngô Đình Luật, chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đặt vấn đề: “Trở lại cuộc sống bình thường mới, tình trạng kẹt xe lại quay trở lại, đây là một vấn đề nhức nhối. Nhưng em thấy có rất nhiều dự án của sinh viên sử dụng AI để giải quyết bài toán giao thông và đạt những giải cao trong các cuộc thi, nhưng tại sao chúng ta lại không sử dụng những dự án của sinh viên để phát triển lên?”.

Sinh viên nêu ra những đề xuất cho việc phát triển AI của thành phố

HOA NỮ

Điều thứ 2 mà Luật quan tâm đó chính là việc học trực tuyến. Luật có kiến nghị: “Vì dịch bệnh mà học sinh, sinh viên phải học trực tuyến. Tuy nhiên, tình trạng tắt camera, tắt mic diễn ra thường xuyên. Vậy thì làm gì để có thể hạn chế được tình trạng này? Về câu chuyện này, em có một ý tưởng là đối với học sinh thay vì chuyển hoá sách giáo khoa thành file trình chiếu thì mình có thể chuyển qua công nghệ thực tế ảo hay là mô hình 3D để sinh động hơn. Đặc biệt học sinh thì ham tìm hiểu nên sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều trong việc kích thích sinh viên thích thú vào việc học”.

Lê Đức Thuận, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì đề xuất: “Nguồn dữ liệu là một trong những yếu tố để phát triển được AI, nhưng nguồn dữ liệu tại VN thì khá hạn chế. Nên thành lập trung tâm dữ liệu để sinh viên có thể tiếp cận và phát triển AI tại VN”.

Sinh viên trình bày tham luận

HOA NỮ

Trong bài tham luận của mình, Hồ Quốc Hùng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đặt vấn đề với lãnh đạo thành phố: “Một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra khi ứng dụng công nghệ thông tin đó chính là về vấn đề bảo mật. Làm thế nào để mang tới một hệ thống vừa có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của người dân, vừa an toàn, đảm bảo các thông tin đời tư cá nhân không bị rò rỉ là vô cùng khó khăn. Đặc biệt là trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, kẻ xấu có thể truy cập và đánh cắp kho dữ liệu khổng lồ ấy nếu như chúng ta không thực hiện tốt công tác bảo mật”.

Tạo mọi điều kiện để phát triển nguồn nhân lực AI

Đáp lại những ý kiến đóng góp của sinh viên, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này có xây dựng chiến lược theo đề nghị của UBND Thành phố. Chiến lược này cũng sẽ giải đáp được một phần các thắc mắc của sinh viên đặt ra.

“Chương trình đào tạo cũng đang xây dựng đề án theo hướng là làm sao để tích hợp được từ phổ thông lên tới ĐH, làm sao phải linh hoạt để các bạn học và đi làm và quay lại học. Học ĐH không chỉ 4 năm, công nhận tín chỉ quốc tế từ những khóa học quốc tế, công nhận sự làm việc thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp giống như một học phần để đi học... Đây là những ý chính của chiến lược đào tạo đó, đây không phải là quá trình đào tạo cơ học 4 năm mà là mô hình linh hoạt uyển chuyển dựa trên công nghệ số, nền tảng số”, Ông Quân nói.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi trao giải nhất Hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo năm 2021

HOA NỮ

Về khởi nghiệp, ông Quân cho biết ĐH Quốc gia có dự án được tài trợ 100 triệu đô, trong dự án đó có xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với quy mô 16.000 m2.

“Đây là nơi mà chúng tôi kỳ vọng là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ đến đây để đặt các phòng thí nghiệm để sinh viên được trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập của mình, để sinh viên có ý tưởng sẽ có được môi trường thực nghiệm các nghiên cứu của mình rồi từ đó nhân rộng ra thực tiễn”, ông Quân chia sẻ.

“Bây giờ thế giới rất phẳng, các bạn ngồi ở đây nhưng hoàn toàn có thể truy cập vào học được những kiến thức mới nhất, tiên tiến nhất trên thế giới. Và nếu sinh viên có năng lực thật sự thì hoàn toàn có thể phát triển những sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng với sinh viên trên thế giới. Quan trọng nhất là niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, khát vọng thay đổi, đưa đất nước ta phát triển của sinh viên”, ông Quân gửi gắm.

Các vị lãnh đạo thành phố đều đánh giá rất cao và trân trọng những ý kiến đề xuất của sinh viên

HOA NỮ

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận tất cả những đóng góp ý kiến của sinh viên và khẳng định: “Tất cả những ý kiến của các bạn đều rất đáng trân trọng”.

Ông Dương Anh Đức cho biết AI là lĩnh vực rất khó, đeo đuổi lĩnh vực này phải chấp nhận những khó khăn, phải tạo ra những thiết bị máy móc mà thay thế cho suy nghĩ và hành động của con người, nên muốn dấn thân vào phải tạo cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc.

“Quan trọng là nghĩ về giá trị của AI thì nhìn vào nhu cầu cuộc sống của con người, lấy những bài toán của cuộc sống, sử dụng tri thức của chúng ta tham gia vào giải những bài toán đó”, Phó chủ tịch gửi gắm.

Ông Đức thông tin thêm: “Các bạn nói hoàn toàn đúng. Để phát triển được AI thì phải học, mà muốn học được phải có dữ liệu. Hiện nay thành phố cũng quyết tâm xây dựng hệ sinh thái để phục vụ cho quá trình phát triển này, trong đó có cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở. Đang cố gắng hết sức để làm cho cơ sở dữ liệu ngày càng giàu lên. Chúng tôi đang dần dần công bố hệ thống cơ sở dữ liệu này”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trân trọng ghi nhận những góp ý, ý kiến đóng góp của sinh viên: “Đây là những ý kiến rất quý để chúng ta có sự quan tâm đúng, đầu tư đúng để phát triển công nghệ thông tin, AI để phục vụ cho việc quản trị và phát triển thành phố”.

Chủ tịch UBND Thành phố đặc biệt quan tâm câu chuyện đào tạo nhân lực AI. Ông Phan Văn Mãi khẳng định: “TP.HCM là trung tâm thì chúng ta phải xác định là đi đầu trong việc này. Nên câu chuyện đào tạo nhân lực phải được đặt ra sớm nhất và tập trung nhất”.

Nhóm sinh viên nhận giải nhì Hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo

HOA NỮ

Nhắc đến việc đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cần phải tính đến cấp độ đào tạo và đổi mới hơn nữa mô hình đào tạo.

“Chương trình học tin học cần đánh giá lại, lớp 9 là tin học cơ bản, nhưng có thể học ngay từ lớp 10 về AI, hay một số các môn mà các em có thể tiếp cận được để sau khi tốt nghiệp THPT, các em đi học thêm 12 tháng, 18 tháng… thì có thể trở thành chuyên viên, kỹ thuật viên trên lĩnh vực công nghệ thông tin nhất định. Như vậy chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo, sẽ giảm được chi phí xã hội và sẽ đào tạo nhanh được nguồn nhân lực chuyên sâu đúng theo chuyên ngành”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị Thành đoàn, các sở liên quan cần quan tâm những ý kiến của sinh viên hôm nay, làm sao tạo ra môi trường để kết nối các nguồn lực, kiến tạo hệ sinh thái phát triển AI. Và giao cho Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tập hợp đầy đủ các ý kiến rồi có kiến nghị về cơ chế chính sách cho việc phát triển AI.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.