Sáng 7.6, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban định kỳ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Phó bí thư Thường trực Phan Văn Mãi dự họp trực tuyến ở đầu cầu Thành ủy TP.HCM.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công sở
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá dịch bệnh tại thành phố đang có dấu hiệu chững lại, nhưng không vì vậy mà chủ quan, nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các chốt chặn cách ly trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá lại các biện pháp triển khai giãn cách xã hội trên địa bàn, nếu cần thiết thì triển khai các biện pháp mạnh hơn nữa để dập dịch sớm nhất.
|
“Đề nghị các quận có số ca nhiễm nhiều như Q.12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú đánh giá lại xem 1 tuần qua các biện pháp mang lại hiệu quả như thế nào”, ông Phong yêu cầu. Bởi theo Chủ tịch UBND TP.HCM, bất kỳ quyết định nào đưa ra cũng cần kiểm tra và chấn chỉnh.
Ông Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng dịch tại công sở; cán bộ, công chức không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp khách có thư mời; mỗi cơ quan dự họp chú ý thành phần dự họp.
Ông Phong cũng đề nghị các sở ngành, quận huyện thực hiện công điện của Thủ tướng về các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế. TP.HCM áp dụng khai báo y tế bắt buộc đối với người làm công tác vận tải hàng hóa, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh trong nhà máy xí nghiệp, xử phạt nghiêm người không khai báo hoặc khai báo không trung thực. Tại các khu vực có nguy cơ cao như chợ truyền thống và chợ đầu mối, cần bố trí chốt kiểm soát y tế, khuyến khích người dân thực hiện thông điệp 5K.
TP.HCM đặt mục tiêu lấy mẫu trong 8 giờ đối với các khu vực có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Trong tuần này, tập trung lấy mẫu cho các đối tượng ưu tiên làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (tổng cộng khoảng hơn 320.000 người).
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất làm khu cách ly tập trung, chủ động cho từng tình huống, không để thiếu khu cách ly. Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM tham mưu, đề xuất một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất.
F0 tăng nhưng đều trong khu vực cách ly
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết sau 2 ngày đầu lập chốt kiểm soát dịch còn lúng túng, đến nay việc đi lại thông thoáng hơn, mật độ giao thông giảm nhiều. Hiện số ca nhiễm vẫn tăng, và đều là các F1 đã được cách ly; chưa phát hiện ca F0 trong cộng đồng ở khu vực mới.
Ông Dũng đánh giá đa phần người dân chấp hành Chỉ thị 16, hạn chế ra đường, nhiều cơ sở kinh doanh không thiết yếu ngưng hoạt động. Dù vậy, nhiều người chưa thực hiện tốt việc giãn cách, lách hẻm ra vào quận; nhiều phương tiện cá nhân đi qua Gò Vấp dừng lại giữa đường, quận chưa thể kiểm soát hết. “Sau 1 tuần, mục tiêu giãn cách cơ bản đã đạt được, nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn để hạn chế người ra vào”, ông Dũng nhìn nhận.
|
Tại Q.12, Chủ tịch UBND quận Lê Trương Hải Hiếu thông tin khi thực hiện Chỉ thị 16 tại P.Thạnh Lộc, quận thiết lập 49 chốt chặn, trong đó có 29 chốt khóa hoàn toàn, giao khu phố giám sát và hướng dẫn người dân. Đối với 20 chốt còn lại, quận áp dụng khai báo y tế và đăng ký ra vào.
Hôm qua (6.6), Q.12 ghi nhận thêm 12 ca nhiễm (hiện tổng cộng 48 ca nhiễm) nhưng đều trong khu cách ly. Dù P.Tân Thới Nhất có số ca nhiễm nhiều nhất (17 ca) nhưng ông Hiếu đề xuất chưa áp dụng Chỉ thị 16 đối với phường này vì các ca nhiễm đều trong khu chung cư, việc kiểm soát dễ hơn.
Từ ngày 31.5, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ thành phố theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng; riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16/2020. Sau 1 tuần áp dụng giãn cách xã hội, người dân đã dần quen với nếp sống mới, số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần.
Bình luận (0)