Theo nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS VN, từ nay đến cuối năm, nguồn cung mới nhà ở sẽ tiếp tục khan hiếm, nhưng giá bán và thanh khoản khó tăng mạnh do vốn BĐS bị kiểm soát chặt. BĐS nghỉ dưỡng ở những dự án có ưu thế về khí hậu, hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ có thể thu hút nhà đầu tư.
Trong khi đó, thị trường BĐS mặt bằng, bán lẻ, văn phòng, thương mại sẽ có thể khả quan hơn về góc độ tăng giá, tỷ lệ lấp đầy, nhất là ở những khu vực trung tâm thành phố. BĐS công nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có VN, do có quỹ đất lớn, nhân công giá rẻ, giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư…
Thị trường bất động sản đang trầm lắng |
Đ.s |
Dài hạn, đầu tư BĐS sẽ vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao, nhất là kinh tế tăng trưởng, thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và 2023, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ quy mô toàn cầu. BĐS trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Cụ thể, về vốn do lãi suất ngân hàng tăng, vốn tín dụng bị hạn chế; nguồn cung mới, cơ cấu về nhà ở chắc chắn chưa được cải thiện do rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ. Sản phẩm đất nền sẽ tiếp tục bị quản lý chặt chẽ; hoạt động đầu cơ BĐS giảm sút, thị trường vẫn trầm lắng.
Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh dự báo: Từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là tình trạng lạm phát, nới room tín dụng, sửa luật liên quan đến BĐS… Quan trọng hơn, thị trường chưa thấy có động lực để khởi sắc. “Nhanh nhất phải mất 12 - 18 tháng mới có thể ấm lên được. Nên các nhà đầu tư cần phải cơ cấu dòng tiền trong thời gian tới, những sản phẩm nào ra hàng được cần phải bán để thu tiền về, có dòng tiền tồn tại và sống sót. Trong khi những nhà đầu tư có tiền nhưng có nhu cầu vẫn nằm chờ vì họ nghĩ rằng sắp tới sẽ có đợt “sale off”. Những người có nhu cầu thật cũng vẫn chờ giá giảm, đặc biệt là nguồn hàng từ những nhà đầu tư có dùng thêm đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lãi suất vẫn đang tăng có thể phải bán cắt lỗ”, ông Chánh nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng thì cho rằng sức mua hiện nay kém do giá cao. Thị trường thứ cấp mua đi bán bị đình trệ, nhiều người chấp nhận bán lỗ so với giá mua vào nhưng không được. “Mang tiếng là giá tăng nhưng thực tế các chủ đầu tư cũng không bán được. Có doanh nghiệp 5 tháng rồi không có doanh thu, tức gần như không bán được sản phẩm nào. Sức mua của cả thị trường sơ cấp yếu do tín dụng bị kiểm soát, bị siết. Trên nhiều nhóm BĐS khách hàng, nhà đầu tư kêu gào không vay được tiền và lãi suất tăng mạnh. Cộng thêm nữa là khi thị trường đang chững lại, kể cả người có tiền cũng cẩn trọng ôm tiền mặt phòng thủ. Có thể thị trường những tháng cuối năm cũng sẽ trầm lắng như quý 3. Đến đầu năm 2023 khi có room mới thì mới hy vọng khởi sắc hơn”, chuyên gia Nguyễn Hoàng phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, từ nay đến cuối năm chủ đầu tư cần tiền, môi giới tăng cường tiếp thị, một vài dự án tăng mức chiết khấu, giảm giá… hy vọng thị trường sẽ sôi động hơn đôi chút. Thường vào những tháng cuối năm, giao dịch BĐS sẽ sôi động hơn khi các nhà đầu tư, người dân có được nguồn tiền tích lũy, tiền lời làm ăn được trong một năm từ các kênh khác sẽ đổ tiền vào mua, đầu tư BĐS. Bởi suy cho cùng, BĐS vẫn là kênh đầu tư, trú ẩn an toàn trong dài hạn. Có thể lúc này giá không thể tăng, thậm chí giao dịch thứ cấp giảm, nhưng về dài hạn chắc chắn sẽ tăng, sẽ bán được.
Đại diện Bộ Xây dựng cho hay thanh khoản thị trường BĐS nói chung từ đầu năm đến nay đã sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản giảm mạnh từ đầu quý 2 đến nay. Thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn khó khăn cả về nguồn cung mới và dòng vốn. Nguồn cung mới giảm, dòng vốn vào thị trường bị siết để tránh bong bóng BĐS nhưng trong ngắn hạn, cục bộ ở địa phương, khu vực nào đó giá bán vẫn tăng thì người dân cần thận trọng khi giao dịch.
Bình luận (0)