Khắp nơi hạ nhiệt
Anh Nguyễn Minh Tùng, 42 tuổi, một nhà đầu tư tại Hà Nội, cho biết dịp nghỉ lễ 2.9 vừa qua, anh tranh thủ về Hoà Bình "săn" đất. Cách đây khoảng 6 - 7 tháng, anh Tùng đã mua một mảnh đất rừng sản xuất tại xã Thu Phong (H.Cao Phong, Hoà Bình) với giá khoảng 600 triệu đồng/ha. Nhưng lần này, khi quay trở lại, anh thấy bất ngờ vì giá giảm tương đối mạnh.
Giao dịch đất nền ở nhiều địa phương lân cận Hà Nội hạ nhiệt, giảm thanh khoản |
lê quân |
“Chủ đất đòi giá 500 triệu đồng mỗi héc ta, nhưng có khi giá chốt bán chỉ khoảng hơn 400 triệu đồng thôi. Mấy tháng trôi qua, giá không những không tăng lên mà có xu hướng giảm đi sau cơn sốt điên cuồng hồi cuối 2021 nên tôi lại chưa vội mua, vì có thể sẽ giảm thêm”, anh chia sẻ.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, những tháng vừa qua, giá đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất ở tại một số “điểm nóng” tại Hoà Bình đã có xu hướng hạ nhiệt. Giá rao bán nhiều mảnh đất đồi rừng làm trang trại, nghỉ dưỡng thấp hơn nhiều so với cách đây khoảng 4 - 5 tháng.
Không chỉ ở Hoà Bình, tại một số tỉnh, thành khác từng nổ ra các đợt "sốt đất" hầm hập thì nay giá cũng đang dần hạ nhiệt.
Tại Quảng Ninh, đất xung quanh những “điểm nóng” một thời như Quảng Yên, Đông Triều… đã trầm lắng về thanh khoản thấy rõ. Nếu như năm 2021, đất nền tại khu vực Thống Nhất (Quảng Yên) bị đẩy lên 18 - 21 triệu đồng/m2 thì đến nay đã giảm về vùng 10 - 15 triệu đồng/m2. Còn tại Đông Triều, từ mức giá trên 20 triệu đồng/m2 thời điểm có thông tin Đông Triều lên thành phố vào năm 2021, giá hiện tại không tăng, có xu hướng đi ngang, thậm chí giảm khoảng trên dưới 2 triệu đồng/m2.
Chị Hoàng Thu Hương, 35 tuổi, môi giới một sàn bất động sản tại H.Quảng Yên, Quảng Ninh, cho biết gần đây thanh khoản khá trầm lắng, có khi cả tháng chị không “chốt” được mảnh đất nào.
“Khách hỏi mua cũng thưa thớt, hỏi xong đều nói tham khảo thêm, đa số nhà đầu tư có động thái giá giảm nữa mới cân nhắc xuống tiền”, chị kể.
Còn tại một số tỉnh khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên,… tình hình thị trường bất động sản trầm lắng về giao dịch cũng phổ biến. Trong báo cáo bất động sản quý 2 vừa qua, Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, giá bất động sản tại tỉnh này đã bị đẩy lên quá cao, vượt khả năng chi trả của người dân. Trong ngắn hạn, Sở này cho hay giá sẽ hạ nhiệt khi thị trường trầm lắng và tính thanh khoản chậm lại.
Còn tại Bắc Giang, sau những phiên đấu giá đất thu hút hàng nghìn người tham gia tại các khu dân cư Bắc Quang Châu, Đồng Vân, xã Quang Châu (H.Việt Yên) thì đến nay, thị trường rơi vào cảnh trầm lắng thấy rõ, vắng bóng cả môi giới và nhà đầu tư.
Theo ghi nhận, những “điểm nóng” sốt đất tại Bắc Giang một thời như các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang… khá trầm lắng trong thời gian gần đây. Trên mạng xã hội xuất hiện một số tin rao bán đất trúng đấu giá với giá bằng giá trúng nhưng vẫn chưa có giao dịch thành công.
Còn tại khu đô thị phía Nam TP.Bắc Giang, một số lô đất có giá cao ngất ngưởng tới 60 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2021 thì tới nay giá không tăng, thậm chí có lô đẹp giảm về 80 - 85 triệu đồng/m2 nhưng cũng ít giao dịch thành công.
Đất nền ở các huyện ngoại thành Hà Nội ít có giao dịch dù giá không hạ nhiệt là bao |
lê quân |
Tại thị trường bất động sản vùng ngoại thành Hà Nội, tình trạng giảm mạnh về thanh khoản cũng rõ rệt, thậm chí mức quan tâm đến bất động sản cũng nhạt nhoà so với dịp đầu năm nay.
Gần đây nhất, phiên đấu giá đất đợt 2 tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, H.Mê Linh, có giá trúng thấp hơn đợt 1 dù vị trí không khác nhau nhiều, cho thấy mức độ quan tâm của thị trường giảm nhiệt so với giai đoạn trước.
Tại một số nơi từng diễn ra các đợt sốt đất như khu vực các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng… giao dịch cũng trầm lắng so với giai đoạn trước. Không khí tại các văn phòng môi giới dọc QL32 đoạn qua H.Hoài Đức, Hà Nội, không còn sôi động như trước đây, thay vào đó là cảnh vắng vẻ.
Anh Lê Văn Nam, một môi giới tại văn phòng môi giới ở xã Đức Thượng, H.Hoài Đức, cho biết cả tháng nay, văn phòng chỉ mở cửa 3 - 4 ngày một tuần vì không có khách. Theo anh Nam, không những vắng khách mà ngay cả những lô đất được chủ đầu tư gửi rao bán cũng không có mấy lượt quan tâm.
“Một năm trước khách đông đến mức chẳng có ngày nghỉ cuối tuần, giờ thì giá chững hơn mà cả tháng có khi chẳng chốt được một đơn”, anh Nam kể.
Vì sao đất nền “đóng băng”?
Thực tế, báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy thanh khoản thị trường sụt giảm trong thời gian qua.
Sau nhiều biện pháp kiềm chế, thanh khoản thị trường đất nền ở nhiều địa phương đã giảm sút |
lê quân |
Bộ Xây dựng cho biết, giá đất nền trong quý 2 năm nay có xu hướng chững lại tại hầu hết các địa phương. Theo Bộ này, nguyên nhân của tình trạng trên là do các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề khác được phục hồi.
Bên cạnh đó là việc cơ quan quản lý tại hàng loạt địa phương tung ra các biện pháp nhằm ngăn chặn việc nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất rừng… và lợi dụng các thông tin quy hoạch để phân lô, tách thửa tràn lan. Nhiều địa phương đã siết chặt, dừng phân lô bán nền, ra quy định chặt chẽ liên quan tới tách thửa, phân lô bán nền… Đây được xem là những lý do khiến thị trường đất nền tại nhiều địa phương gần như “đóng băng” thanh khoản.
Theo báo cáo thị trường quý 2 của Batdongsan.com.vn, đất nền tại miền Bắc có mức độ quan tâm giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Hà Nội, nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23%, tại một số “điểm nóng” như các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%. Trong ngắn hạn, theo nhận định của đơn vị này, giá sẽ giảm nhưng về dài hạn vẫn có triển vọng.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định đất nền “đóng băng” thanh khoản là điều tất yếu, sau thời gian dài tăng “nóng”. Thời gian gần đây, hàng loạt yếu tố liên quan tới thị trường bất động sản, trong đó có việc dòng vốn cho thị trường bị ảnh hưởng khi các ngân hàng kiểm soát tín dụng, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bị siết… khiến cho nhiều phân khúc, trong đó có đất nền, lao dốc.
Bên cạnh đó, việc thị trường đi xuống, thanh khoản "đóng băng", theo ông Đính, cũng là xu hướng tất yếu khi suốt một thời gian dài, “sốt đất” diễn ra khắp nơi, bất chấp đại dịch. Ông bình luận thị trường có tăng thì có giảm, về lâu dài sẽ phản ánh đúng giá trị thật.
Bình luận (0)