Chung cư ngóng sổ hồng ở TP.HCM - Kỳ 4: Có cần bêu tên CĐT chây ì?

27/11/2019 13:31 GMT+7

Nhiều chuyên gia và cư dân cho rằng thành phố cần phải mạnh tay xử lý các chủ đầu tư chây ì việc cấp sổ hồng cho cư dân, thậm chí lập danh sách đen doanh nghiệp nợ sổ hồng .

Vì sao dân không có sổ hồng?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết có 2 nhóm chung cư bị chậm về sổ hồng, trong đó nhóm chung cư có trước thời điểm Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1.7.2015) có nhiều nhất. Chủ đầu tư những dự án xây dựng sai phép hoặc công trình chưa được nghiệm thu nhưng đã người dân vào ở. Đối với những chung cư này, người dân vừa phải sinh sống trong điều kiện mất an toàn vừa không có giấy tờ pháp lý là sổ hồng.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng cho cư dân tại các chung cư bị chậm trễ

Ảnh: Đ.N.T

Đồng thời, một số chung cư đã nghiệm thu, đưa dân vào nhưng sau đó chủ đầu tư xây thêm hạng mục sai phép. Đối với các chung cư này, thành phố chỉ đạo phải bóc tách ra, phần nào hộ dân không sai phạm thì phải cấp cho người dân, còn phần nào do chủ đầu tư sai thì xử lý chủ đầu tư.
Nhóm thứ 2 là những dự án có sau Luật Nhà ở 2015, dù ít hơn nhưng một số dự án chưa nghiệm thu, nhất là phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đưa dân vào ở.
Bên cạnh đó, ông Châu còn chỉ ra một số dự án bị dừng lại thủ tục cấp sổ hồng do liên quan đến nguồn gốc đất công...

Chủ đầu tư chung cư Opal Riverside cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM bận giải trình với cơ quan Trung ương nên chưa cấp sổ hồng cho cư dân

Ảnh: Sỹ Đông

Đối với những dự án sai phạm, việc chậm cấp sổ hồng có thể hiểu được phần nào nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, nhiều dự án bình thường nhưng việc cấp sổ hồng cũng chậm do sự phân cấp đơn vị chịu trách nhiệm ký sổ hồng cho các chung cư. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ, ký sổ hồng cho từng căn chung cư.
“Hiệp hội đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phải tháo gỡ vướng mắc này bởi đây không phải lỗi của người mua nhà, không phải lỗi của doanh nghiệp. Khối lượng công việc rất lớn, nếu sở không phân cấp xuống cho Văn phòng Đăng ký Đất đai thì việc cấp sổ hồng sẽ tiếp tục chậm”, ông Châu phân tích

Lập danh sách đen chủ đầu tư nợ sổ hồng

Sau 6 năm nhận nhà nhưng cư dân vẫn chưa có sổ hồng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương cho rằng thành phố phải mạnh tay với những chủ đầu tư cố tình vi phạm. “Cần phải lập danh sách đen, bêu tên các doanh nghiệp này để họ có trách nhiệm hơn với cư dân”, ông Hùng đề nghị.

Ông Lê Anh Dũng, thành viên Ban quản trị chung cư Sinh Lợi (H.Bình Chánh) mong muốn thành phố phải có chế tài mạnh với các sai phạm của chủ đầu tư

Ảnh: Sỹ Đông

Về việc bêu tên các chủ đầu tư không làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng đề xuất này là hợp lý và cần thiết để tạo áp lực cho chủ đầu tư nhằm đảm bảo uy tín của mình.
“Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế đều được công khai thì các doanh nghiệp nợ sổ hồng với người dân cũng cần được công khai”, ông Châu so sánh.
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Minh Khoa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hành vi chậm cấp sổ hồng của chủ đầu tư được xử lý bằng biện pháp xử lý hành chính. Đối với đề nghị xử lý bằng biện pháp bêu tên (lập danh sách và công khai) chủ đầu tư, pháp luật hiện hành không cấm nhưng cũng không có quy định cụ thể. “Về nguyên tắc chúng ta được làm những điều pháp luật không cấm”, luật sư Khoa nêu quan điểm.
Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng cũng cần phải cân nhắc về tính hiệu quả của biện pháp trên. Việc bêu tên chủ đầu tư liệu rằng sẽ đẩy nhanh được tiến độ cấp sổ hồng hay không, có giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về tài chính như trả nợ ngân hàng, tiền sử dụng đất. Đặc biệt, muốn thực hiện đề xuất này thì thành phố cần trả lời được câu hỏi là ai, tổ chức nào thực hiện việc này và bêu tên ở đâu, bêu như thế nào?
Do đó, luật sư Khoa cho rằng trong giai đoạn hiện nay, biện pháp bêu tên chủ đầu tư là chưa cấp thiết bởi cần xem xét về tính hiệu quả.

Hàng trăm hộ dân chung cư Tín Phong (P.Tân Thới Nhất, Q.12) chưa có sổ hồng vì chủ đầu tư đem con bỏ chợ

Ảnh: Sỹ Đông

Trong khi đó, luật sư Lê Hùng Việt, Đoàn luật sư TP.HCM thì nhận định việc lập danh sách đen các chủ đầu tư là không thể thực hiện được mà chính quyền chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư vi phạm pháp luật.
Theo ông, trách nhiệm dân sự của chủ đầu tư được quy định trong hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư phải chịu chế tài và bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng có quy định. Tuy nhiên, hợp đồng mẫu mà chủ đầu tư đưa ra lại không có những điều khoản bất lợi đối với họ khi chậm cấp sổ hồng nên người dân luôn phải chịu thiệt thòi.
Luật sư Việt khuyến khách hàng thương lượng về tiến độ thanh toán trong trường hợp chưa nhận được sổ hồng theo quy định tại Điều 57 Luật kinh doanh bất động sản để ràng buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư.
Theo Nghị định Nghị định 91 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ 5.1.2020, chủ đầu tư có thể bị xử phạt đến 1 tỉ đồng nếu chậm làm sổ hồng cho khách hàng.
Luật sư Huỳnh Công Thư, Công ty TNHH Dân Luật, cho biết trước đây đã có quy định xử phạt chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà nhưng mức phạt chưa tương xứng nên chủ đầu tư không sợ. Dù vậy, đây chỉ là hình thức phạt hành chính nên nếu nếu chủ đầu tư không khắc phục các sai phạm thì người dân vẫn không có sổ hồng.
Luật sư Thư cho rằng hoàn toàn có thể xử lý hình sự với những chủ đầu tư chây ì vì tội lừa dối khách hàng, lạm dụng chiếm đoạt tài sản khi bán nhà cho khách hàng, hứa hẹn cấp sổ hồng nhưng lại chây ì, không thực hiện (còn tiếp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.