99, 110, 115 và giờ là 121, cứ mỗi ca dương tính với virus SARS-CoV (Covid-19) được công bố, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư lại tăng lên. Thị trường chứng khoán những tưởng đã dò thấy đáy ở quanh vùng 700 điểm của Vn-Index, nhưng phiên giao dịch hôm nay, 22.3, lại tiếp tục bị xuyên thủng.
Ngay từ khi mở cửa buổi sáng, cả sàn đã ngập tràn sắc đỏ giảm giá. Hiệu ứng từ việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên trước đó và một loạt ca bệnh Covid-19 mới được công bố cuối tuần qua khiến thị trường không có một cơ hội nào để chống đỡ.
Các cổ phiếu trong rổ VN30 (30 cổ phiếu vốn hoá lớn) như VCB, GAS, VNM, PNJ, MWG… đều giảm về sát giá sàn. Một loạt cổ phiếu mid-cap (vốn hoá trung bình) hay penny (vốn hoá nhỏ) cũng không thoát được cảnh lao dốc.
Trong cả phiên, gần như chỉ số Vn-Index không có nổi một nhịp hồi khá. Tâm lý sợ hãi bao trùm, nhà đầu tư chỉ còn biết cắn răng cắt lỗ. Đóng cửa giao dịch chiều 22.3 vào lúc 14 giờ 30, bảng chứng khoán tái hiện cảnh tượng “trắng bên mua” của giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, hay vụ việc Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014.
Cụ thể, chỉ số Vn-Index mất hơn 6%, còn 666,59 điểm. HNX-Index mất 5,24%, còn 96,46 điểm. Vốn hoá toàn thị trường phiên này “bốc hơi” mất khoảng 10 tỉ USD.
Điểm sáng hôm nay nằm ở một số cố phiếu riêng lẻ như NVL khi cổ phiếu này lội ngược dòng cuối phiên, tăng giá 1,96%. SHB đại diện cho nhóm ngân hàng cố trụ lại với mức giảm thấp nhất chỉ 1,67%. Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, lực xả hôm nay ghi nhận hơn 400 tỉ đồng. Vn-Index có tổng cộng 363 mã giảm giá, 40 cổ phiếu tăng và 21 đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4.800 tỉ đồng.
|
Không nên báo tháo
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Vn-Index đã giảm mạnh từ mốc hơn 900 điểm xuống chỉ còn hơn 666 điểm, mức giảm tương ứng khoảng 30%. Một loạt cổ phiếu lớn như VCB, MWG, GAS, VNM… đã giảm mất 50% giá trị. Hiện tại, theo nhiều chuyên gia, giá cổ phiếu trong rổ VN30 đã bắt đầu về vùng giá khá hấp dẫn, nếu tính theo các tiêu chí về yếu tố cơ bản.
Năm vừa rồi, VCB là ngân hàng duy nhất của Việt Nam đạt mức lợi nhuận 1 tỉ USD và cũng lọt tốp 200 ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất thế giới. VNM với cốt lõi là sản phẩm sữa, thường là cổ phiếu phòng thủ rất tốt khi đại dịch xảy ra. Hoặc như FPT, cổ phiếu công nghệ cũng chống đỡ rất tốt, với nền tảng giao dịch trực tuyến…
Bên cạnh đó, dù số ca Covid-19 tăng nhanh nhưng so với thế giới, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh tốt nhất thế giới. Trong thời gian tới vẫn còn có nhiều yếu tố khó lường, song với hành động quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán, ông Trần Văn Dũng cho biết, Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Vì vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng, khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán, nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng khuyến cáo.
Các nhà phân tích cũng khuyến cáo, đây là lúc các nhà đầu tư cần tỉnh táo, xem xét danh mục với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, có thế mạnh trong tâm bão đại dịch, có lãnh đạo năng động, nhanh nhẹn… Việc bán tháo bằng mọi giá có thể gây ra sự hoảng loạn, thua lỗ nặng nề.
Bình luận (0)