Chứng khoán èo uột, vì sao doanh nghiệp vẫn huy động được hàng ngàn tỉ đồng?

Mai Phương
Mai Phương
02/12/2024 17:50 GMT+7

Dòng tiền tham gia mua bán sàn chứng khoán ở mức thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn huy động thêm hàng ngàn tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới.

Cổ đông vẫn chi tiền mua cổ phiếu mới

Đóng cửa phiên hôm nay (2.12), giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) chưa đạt tới 12.000 tỉ đồng. Mức thanh khoản thấp đã được duy trì trên sàn này trong tháng 11 đến nay, thấp hơn khoảng 25% so với mức bình quân của tháng 10. Nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán cho rằng do thị trường lình xình dưới 1.300 điểm và nhiều cổ phiếu giảm giá khiến nhà đầu tư chán nản. Hơn nữa, khối ngoại vẫn liên tục bán ròng cũng ảnh hưởng đến dòng tiền tham gia thị trường. Thế nhưng, một điều chú ý là các doanh nghiệp vẫn huy động thành công hàng ngàn tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới.

Chứng khoán èo uột, vì sao doanh nghiệp vẫn huy động được hàng ngàn tỉ đồng?- Ảnh 1.

Tiền vào chứng khoán èo uột khiến thanh khoản ở mức thấp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba (mã chứng khoán SBG) trong tháng 11 đã công bố phát hành thành công 11,5 triệu cổ phiếu và thu về được 115 tỉ đồng. Đợt phát hành cổ phiếu này thực hiện cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của công ty tăng lên gần 500 tỉ đồng, tương đương gần 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phiếu SBG trên sàn HOSE đang giao dịch xoay quanh 10.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá phát hành cổ phiếu mới không đáng kể.

Tương tự, Công ty CP chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI) thông báo đã phân phối thành công gần 151 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, SSI huy động được gần 2.267 tỉ đồng cho mục tiêu bổ sung hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi và cho vay giao dịch ký quỹ. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của SSI tăng lên hơn 19.638 tỉ đồng. Giá phát hành cổ phiếu mới của SSI thấp hơn khoảng 40% so với giá giao dịch trên sàn.

Hay Công ty CP chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI) công bố đã phát hành thành công 143,63 triệu cổ phiếu riêng lẻ, trong đó nhà đầu tư nội mua 69,56 triệu đơn vị và nước ngoài mua 74 triệu đơn vị. Với giá bán 28.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp này đã thu về được 4.021 tỉ đồng từ đợt chào bán. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Tương tự SSI, giá chào bán cổ phiếu VCI mới đợt này cũng thấp hơn gần 15% so với giá giao dịch trên sàn HOSE.

Một vài doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn cũng huy động vốn thành công qua chào bán cổ phiếu. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã chứng khoán TNH) thu về được 152 tỉ đồng qua chào bán 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu (mã chứng khoán SJ1) bán gần 20 triệu cổ phiếu với giá 13.000 đồng/cổ phiếu và thu được gần 260 tỉ đồng...

Một số doanh nghiệp cũng đang công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán ra công chúng như Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV); Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán DIG); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán BCM)...

Chấp nhận giá thấp hơn trên sàn

Điểm chung của các đợt phát hành cổ phiếu mới thành công kể trên là giá chào bán thấp hơn trên sàn. Thậm chí một số công ty có giá bán thấp hơn khá nhiều như cổ đông TNH được mua cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một nửa so với giá giao dịch trên HOSE hiện tại là 20.400 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán èo uột, vì sao doanh nghiệp vẫn huy động được hàng ngàn tỉ đồng?- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp vẫn chào bán cổ phiếu thành công do thấp hơn giá trên sàn

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, trong bối cảnh giá cổ phiếu lình xình, giảm nhiều hơn tăng và thanh khoản thị trường nói chung ở mức thấp, nhiều công ty vẫn huy động được vốn thành công là do chấp nhận chào bán với giá thấp hơn so với trên sàn. Thông thường ở những giai đoạn thị trường giao dịch sôi động, nhiều cổ phiếu sau khi được chia tách, phát hành thêm đã bị điều chỉnh giá (giá cổ phiếu trên sàn sẽ bị giảm tương ứng với giá chào bán) và sau đó nhanh chóng tăng trở lại mức cũ. Điều này khiến các cổ đông có quyền mua cổ phiếu mới được hưởng lợi.

Vì vậy, những "game" phát hành cổ phiếu mới diễn ra nhiều hơn. Còn hiện nay, các doanh nghiệp huy động vốn thành công qua phát hành cổ phiếu thực tế không quá nhiều. Các công ty cần vốn phải chấp nhận bán cổ phiếu với giá thấp. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có những cổ đông nội bộ, cổ đông lớn rất nhiều và những cá nhân, tổ chức này khi đồng thuận với phương án huy động vốn bằng cổ phiếu thì sẽ thực hiện quyền mua. Điều đó giúp tỷ lệ thành công của các đợt phát hành của doanh nghiệp gia tăng.

"Hiện nay, do thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức thấp nên hoạt động chào bán cổ phiếu cũng không quá sôi động. Nhưng nhiều nhà đầu tử, cổ đông vẫn mua mới vì giá thấp hơn trên sàn. Bản thân nhà đầu tư cũng kỳ vọng khi thị trường khởi sắc trở lại thì cổ phiếu sẽ tăng giá và mang lại lợi nhuận cao. Vì vậy để phát hành thành công và huy động được vốn thì các doanh nghiệp phải chấp nhận bán giá thấp hơn so với thời điểm thị trường giao dịch sôi động", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.