Chung sức cứu doanh nghiệp

Mai Hà
Mai Hà
02/06/2023 04:16 GMT+7

Nhiều cửa hàng mặt tiền tại Q.1, TP.HCM từng tấp nập kinh doanh đã im lìm đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng cả năm nay. "Thoi thóp", "gần đất xa trời"… là bức tranh màu xám về sức khỏe doanh nghiệp mà nhiều đại biểu đã ví von trên diễn đàn Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam), những con số như 19.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong khi 19.200 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường mỗi tháng, cho thấy có nhiều yếu tố bất thường. Số DN rút khỏi thị trường không chỉ tăng đột biến so với các năm trước đó, mà còn xảy ra ngay đầu năm, thời điểm lẽ ra DN phải tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đại biểu Vũ Tiến Lộc thì đánh giá số DN rút khỏi thị trường chỉ là "phần nổi của tảng băng", phần chìm của tảng băng chính là các DN đang hoạt động cũng gặp khó khăn chồng chất.

Sau quý 1/2023 GDP giảm sốc, tháng 4 và 5 nền kinh tế đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn, song DN vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi thông suốt… "Vòng kim cô" với các DN thậm chí còn gia tăng khi phải chịu nhiều quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức như phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm…

Vốn, mạch máu sống còn với DN, vẫn đang tắc nghẽn. Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định "dư địa room tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống dư thừa", nhưng rất nhiều DN vẫn khát vốn vay, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng rất nhiều thủ tục rườm rà, khó tiếp cận. Hệ lụy không chỉ là DN phá sản, người lao động thất nghiệp gia tăng, mà đáng buồn hơn khi nhiều DN đầu ngành bị các tập đoàn lớn nước ngoài thâu tóm, khiến cho kinh tế, sản xuất của DN Việt vốn đã khó khăn, nay trở nên rất mong manh.

Không chỉ Quốc hội (QH) sốt ruột, Chính phủ cũng rất sốt ruột. Thủ tướng liên tiếp ký các nghị quyết, chỉ thị, công điện tháo gỡ khó khăn cho DN; giảm thuế, phí; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN và người mua nhà ở xã hội… Giảm thuế VAT 2% sau 6 tháng ngắt quãng đã được khôi phục lại với đề xuất của Chính phủ lên QH.

Song tác động từ các giải pháp này dường như vẫn chưa đủ ngấm. DN và người lao động đang rất chờ đợi các lời hứa, cam kết được các trưởng ngành đưa ra trên diễn đàn QH sẽ được hiện thực hóa. Như lời hứa của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc "sẽ làm mọi cách tăng cường năng lực DN, năng lực nền kinh tế bằng việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn, thị trường, bởi giảm thuế nhưng vướng mắc thì DN vẫn tiếp tục khó khăn".

Dự báo kinh tế những tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ngay cả mục tiêu GDP 6,5% cũng đầy thách thức. DN được ví như xương sống của nền kinh tế, khi nền kinh tế khó khăn, DN cũng khó lòng khỏe mạnh. Rõ ràng để giải cứu DN, các chính sách đơn lẻ là chưa đủ mà cần thực hiện đồng bộ trên cơ sở các chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ chung cho cả nền kinh tế. Quan trọng hơn, chính sách hỗ trợ không nên chỉ tạm thời, nhỏ giọt mà cần tính đến những ưu đãi căn cơ hơn để tạo đà cho DN phục hồi và phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.