Chuông reo là... nhậu, những phong cách nhậu 3 miền không đỡ nổi!

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
15/09/2019 10:02 GMT+7

Dù không thích gọi chuyện nhậu là “vấn nạn”, nhưng thực tình, nhậu là chuyện đáng... quan ngại, vì nó trở thành thói quen, một thói quen “lành ít dữ nhiều”.

Có thể nói không ngoa, hầu hết các cuộc thương thảo, ký hợp đồng làm ăn đều có liên quan đến... nhậu. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì gần như bàn cà phê, bàn nhậu là nơi làm việc chính.
Các cuộc gặp mặt, họp lớp (từ tiểu học đến tiến sĩ, từ trung cấp đến cao cấp, từ lái xe máy đến lái ô tô) đều “không say không về”.
công chức, viên chức, dân lao động, chiều đến gọi nhau là biết, thế mới có câu “chuông reo là... nhậu!”.
Chuyện nhậu cũng mỗi nơi một khác. Nhiều người dùng mỹ từ gọi là “văn hóa nhậu”, thực ra đó là thói quen.

Miền Trung “túm rảy”

Có lần dẫn mấy người bạn ra Đồng Hới (Quảng Bình), đi nhậu về, sáng ra, mấy anh bạn kêu không biết hôm qua làm gì mà bàn tay đau dữ. Lát sau mới nhớ, ở đó cứ cụng ly xong đặt xuống là bắt tay. Thoạt đầu còn nhẹ nhàng, lịch sự, sau tưng tưng thì bắt rất nhiệt tình, túm chặt rảy (lắc) mạnh. Người bản địa gọi là “túm rảy”. Đụng mấy anh lực lượng vũ trang, rèn luyện nhiều nên tay khỏe, họ mà bắt tay nhiệt tình thì mình chỉ có nước... khóc.
Chuyện uống xong bắt tay lan nhanh, đến nay hầu như tỉnh thành nào ở miền Trung cũng “túm rảy”. Mà đâu, nó lan ra các miền khác nữa rồi.
Vì sống và đi công tác nhiều nơi nên có biết chuyện nhậu các nơi. Ở Đồng Hới đã đi uống bia là ép nhau uống đến gục thì thôi. Ai muốn thoát thì cứ thế lặng lẽ chuồn chứ chào thì không bao giờ về được. Ở Đà Nẵng thì khác hơn, ai uống chừng nào kêu thôi thì thôi (đó là nói đa số) dù Đà Nẵng mật độ nhậu dày đặc. Mỗi chiều, đi dọc đường ven biển (Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp...), người ngồi nhậu đông như xem Michael Jackson biểu diễn.

Miền Nam lúc nào cũng như chưa bắt đầu

Hồi đầu, cứ thấy điện thoại người quen ở Sài Gòn lấy làm bực mình lắm, vì họ thường gọi vào lúc nửa đêm về sáng mà giọng tỉnh queo, mình thì muốn ngủ gần chết mà họ cứ như thể đang ban ngày, không chỉ nói dài mà chuyền cho nhiều người khác nói, bực lắm. Sau mới biết, trong đó thường bắt đầu cuộc nhậu muộn. Đã muộn rồi, uống sắp tưng thì ông kẹt xe, ông có việc mới vừa đến, thế là “cuộc chơi lại bắt đầu”.
Có mấy lần tham gia, ngà ngà rồi tưởng lên xe về, hóa ra chưa, phải đi tăng hai. Tăng hai có thể chỉ là đổi quán để “như mới”, có thể là một loại hình khác. Xong thì tăng ba...
Hà Nội thì khác. Có vẻ như nhậu “bình tĩnh” hơn. Nhưng ai không quen chỉ có nước... tiêu táng đường. Vì các cuộc hẹn hò nhậu nhẹt thường diễn ra buổi trưa.
Bạn bè ở Hà Nội hay thiệt, gọi buổi trưa là có hết chứ chiều đã về nhà thì không ra khỏi nhà. Hay thế.
Nhưng mà quen thế nào chứ nhậu trưa sao chiều làm việc được? Chắc quen.
Ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận thì khác nữa. Ai có việc thì về giải quyết, xong lại đến, người khác lại về, lại đến. Có cảm giác như “liên tu bất tận”. Nhưng do người đồng bằng chân chất, nhiệt tình, nhậu là vui chứ không cãi nhau như nơi khác, thay bằng cãi thì hát. Vì thế “đốt” thời gian cũng nhanh. Dăm bảy tiếng đồng hồ chỉ là... khoảnh khắc.
Lý giải chuyện “buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, không buồn không vui cũng nhậu” thì nhiều nguyên nhân, tôi thấy nguyên nhân chủ yếu là thói quen để gặp bạn bè. Vậy thì, có cách nào gặp bạn bè vẫn vui mà nhậu ít đi không? Có lẽ mỗi người nên tìm cách đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.