Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại sẽ không thật sự giảm tải bởi số môn học và thời lượng học tập có chiều hướng tăng lên trong khi năng lực cần trang bị cho học sinh chưa rõ ràng.
Giảm kiến thức không phù hợp chứ không giảm số tiết
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, thời gian qua có không ít ý kiến băn khoăn về số môn học trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới quá nhiều, có vẻ ôm đồm và tham vọng, nhiều môn học mới... Lý giải về điều này, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính của Ban Phát triển chương trình này, cho rằng số môn học trong dự thảo ít hơn đáng kể so với hiện hành và không nhiều hơn so với nhiều nước phát triển.
Chẳng hạn, số môn học và hoạt động giáo dục trong dự thảo ở tiểu học (không tính tự học) là 8 (lớp 1, 2), 9 (lớp 3) và 11 (lớp 4, 5), ở THCS là 11 (lớp 6 - 9). Trong chương trình hiện hành, ở tiểu học là 9 (lớp 1 - 3), 11 (lớp 4, 5), THCS là 13 (lớp 6, 7), 14 (lớp 8, 9). Hay số môn học trong chương trình của Vương quốc Anh là 10 (giai đoạn 1, tương đương lớp 1, 2), 11 (các lớp 3, 4, 5, 6), 12 (lớp 7, 8, 9).
Theo ông Bùi Mạnh Hùng, đổi mới lần này thực hiện theo định hướng giảm những kiến thức chưa phù hợp với học sinh (HS) nhưng không phải “giảm tải” theo nghĩa học ít đi mà cần tăng cường học thông qua thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo khó đáp ứng mục tiêuTrước những mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra, nhiều giáo viên phổ thông, nhà quản lý giáo dục tỏ ra lo ngại quá sức với những gì nền giáo dục VN có thể đáp ứng.
Tránh học quá nhiều kiến thức mà không biết vận dụng
Riêng với cấp tiểu học, chương trình mới thiết kế theo định hướng yêu cầu các trường tiểu học đến năm học 2022 - 2023 phải dạy 2 buổi/ngày ở tất cả các lớp. Hiện nay, điều kiện của một số trường chưa bảo đảm cho yêu cầu này nhưng chương trình mới được thực hiện theo lối “cuốn chiếu” nên sẽ còn thời gian để chuẩn bị. Dự thảo đã quy định các trường chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần tập trung đầu tư để bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 dạy học được 2 buổi/ngày cho lớp 1, đến năm học 2022 - 2023 dạy học được 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp tiểu học. Đối với những lớp chưa thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày, không bố trí thời gian tự học có hướng dẫn trên lớp và dạy nội dung giáo dục của địa phương.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận: “Vấn đề quan trọng là dự thảo phải được thay đổi căn bản, chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp người học hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực. Phải khắc phục cho được tình trạng HS phải học quá nhiều kiến thức mà không có cơ hội học kỹ và vận dụng một cách hiệu quả vào học tập và đời sống”.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi?Hôm nay 12.4, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Dạy học sinh sống có trách nhiệm và tư duy phản biện
Một số ý kiến đề nghị cần phải bổ sung cho HS phẩm chất sống có trách nhiệm, một số năng lực cụ thể và thiết thực cho cuộc sống hằng ngày như: năng lực quản lý tài chính cá nhân, tư duy phản biện, tư duy logic… GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình mới, cho rằng trong dự thảo, ý thức quản lý, tiết kiệm tài sản, tài chính của cá nhân và gia đình được coi là biểu hiện của phẩm chất “trách nhiệm”. Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu giáo dục cho HS ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản công và tài nguyên thiên nhiên.
Những nội dung nói trên được thực hiện qua nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn giáo dục lối sống ở tiểu học, giáo dục công dân ở THCS, giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT đóng vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, GS Thuyết cho hay tiếp thu ý kiến chuyên gia, Ban Phát triển chương trình mới sẽ nghiên cứu để bổ sung một số yêu cầu về quản lý tài chính cá nhân vào năng lực “tự chủ”.
Về đề nghị bổ sung tư duy phản biện, GS Thuyết cho rằng biểu hiện cụ thể của tư duy logic, tư duy phản biện và năng lực sử dụng tiếng Việt có ở phụ lục kèm theo dự thảo. Một trong những biểu hiện của tư duy phản biện được dự thảo chỉ ra là: “nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng” (HS tiểu học), “quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau” (THCS), “không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề” (THPT).
tin liên quan
Thành công hay thất bại phụ thuộc vào giáo viênCó những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới mà ban soạn thảo chương trình cần cân nhắc khi đưa ra chương trình giáo dục phổ thông lần này.
Cần có chuẩn giáo viên phù hợp
Chương trình mới có hay đến mấy nhưng nếu giáo viên (GV) không thay đổi thì hiệu quả của đổi mới sẽ không cao. Chính vì vậy, rất nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới và đề nghị khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ GV và điều kiện cơ sở vật chất phải làm song song, thậm chí phải đi trước.
Theo GS Thuyết, trước hết cần rà soát và xây dựng chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông phù hợp yêu cầu của chương trình mới; đổi mới đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở, linh hoạt; xây dựng và bồi dưỡng GV phổ thông dưới dạng mô đun, theo nguyên tắc cuốn chiếu, phù hợp lộ trình triển khai chương trình - sách giáo khoa.
GS Thuyết đề nghị: “Trên cơ sở dự báo về nhu cầu GV và căn cứ vào chương trình mới, cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo các loại hình GV còn thiếu, đảm bảo đủ GV dạy các môn học mới”.
|
Bình luận (0)