Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đến lúc không thể dạy và học như cũ

23/04/2017 08:38 GMT+7

GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ: Đã đến lúc chúng ta phải thấy rằng không thể dạy và học như cũ nữa. Chúng ta thấy con em chúng ta quá khổ vì học…

Sáng qua (22.4), tại hội thảo khoa học về công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của TP.Hà Nội đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện tổng chủ biên các môn học và hiệu trưởng các trường phổ thông đã chia sẻ về những hy vọng cũng như trăn trở khi thực hiện chương trình này.
Không phải để trở thành giáo sư toán

Chúng ta đưa ra một đề tài và phải tôn trọng ý tưởng của học sinh, tránh tả con mèo thì 100 con mèo trong bài văn của học sinh đều giống nhau

PGS Đỗ Ngọc Thống

Giáo sư (GS) Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định: “Triết lý mới về dạy học toán trong chương trình mới đầu tiên là phải tinh giảm, chỉ đưa vào những gì cốt lõi nhất, thiết thực nhất. Toán học phải cho mọi người và mọi người đều có quyền tiếp cận với toán học, để dùng toán học như một công cụ phục vụ cuộc sống. Chương trình toán phải hiện đại, sáng tạo, khuyến khích được sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của người học”.
“Chúng tôi quan niệm môn toán trong chương trình mới không phải là để đào tạo ra mấy ông đi thi học sinh (HS) giỏi, ra các GS toán học mà là phải phục vụ cho 1 triệu HS mỗi lứa, phải tạo ra phương tiện để người học có thể sử dụng phương tiện đó phục vụ cho cuộc sống suốt cả đời”, GS Thái nói.
Theo GS Thái, chương trình môn toán sẽ thay đổi rất nhiều, sẽ không phải trả lời câu hỏi học cái gì ở trong toán hay chứng minh nó bằng cách nào... mà cái quan trọng hướng tới là cuộc sống đòi hỏi cái gì, chắt lọc nó vào toán học để phục vụ cuộc sống.
GS Thái nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải thấy rằng không thể dạy và học như cũ nữa. Chúng ta thấy con em chúng ta quá khổ vì học. Con tôi học lớp 9, ngày nào cũng phải học bài đến 12 giờ đêm, giải những bài toán với yêu cầu cách làm rất lắt léo… Dù chúng tôi không hề muốn gây áp lực nhưng điều cháu mong lớn nhất là có thêm thời gian để ngủ, có thời gian để xem phim…”.

tin liên quan

Để học sinh phát triển năng lực theo cá nhân
Tuy có nhiều điểm tiến bộ nhưng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang lấy ý kiến dư luận cũng còn những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi nhằm đạt được mục tiêu phát triển toàn diện theo từng cá nhân học sinh.
Sẽ chấm dứt tình trạng 100 bài văn giống hệt nhau
PGS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên môn ngữ văn, thông tin: “Theo dự thảo chương trình mới, ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, số lượng tiết học chiếm tới 18,75% thời lượng của cả 3 cấp học, cao nhất so với các môn”.
Ông Thống cũng đưa ra một số hình dung về những thay đổi lớn trong môn học này. Tính chất của môn học được xác định lại, coi đây trước hết là môn học công cụ, trang bị cho HS công cụ đọc, viết, nghe, nói để học tốt các môn học khác; giúp HS giao tiếp để phục vụ cuộc sống hằng ngày; kỹ năng đọc hiểu tốt để học suốt đời... Bên cạnh đó, môn văn còn có tính chất thẩm mỹ, tính chất nhân văn...
Về ngữ liệu, PGS Đỗ Ngọc Thống khẳng định: “Môn văn sẽ xây dựng theo hướng mở. Nếu như hiện nay quy định đến từng bài, dạy tác phẩm nào, văn bản nào... thì tới đây sẽ chỉ quy định một số tác phẩm lớn không thể không dạy, ví dụ Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, Truyện Kiều của Nguyễn Du… Còn lại chúng tôi chỉ gợi ý một danh sách để các tác giả sách giáo khoa và các thầy cô giáo có thể lấy một văn bản trong hoặc ngoài gợi ý đó để dạy, miễn là đạt được yêu cầu đặt ra. Tốt nghiệp THPT, HS phải biết một số tác phẩm tiêu biểu của dân tộc nhưng vẫn còn nhiều thời lượng trong chương trình để giáo viên (GV) và HS có thể chọn những tác phẩm đương đại phù hợp với sở thích, tâm lý lứa tuổi của các em”.
PGS Thống khẳng định sẽ không dạy lý luận văn học và lịch sử văn học một cách hàn lâm như để đào tạo các nhà lý luận phê bình văn học, mà dạy là để giúp HS đọc viết tốt hơn.
Về đổi mới đánh giá, đề thi môn văn sẽ không kiểm tra những tác phẩm đọc được trên lớp mà phải là một văn bản tương tự.
Trước định hướng thay đổi như vậy, theo PGS Đỗ Ngọc Thống, quan trọng nhất là cách dạy của GV. “Ví dụ lâu nay chúng ta cứ dạy cho HS cái hay của tác phẩm văn học cụ thể nào đó nhưng cái hay ấy chủ yếu là theo thầy cô, theo sách là chính. Còn bây giờ cái đó phải lùi xuống, nhường chỗ để tôn trọng cách tiếp cận của HS, hướng dẫn HS cách đọc và để các em tự cảm nhận, tự phát biểu suy nghĩ của mình về tác phẩm. Dạy viết cũng vậy, chúng ta đưa ra một đề tài và phải tôn trọng ý tưởng của HS, tránh tả con mèo thì 100 con mèo trong bài văn của HS đều giống nhau”, ông Thống chia sẻ.
GV phải thay đổi
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa, Hà Nội, đề nghị ngành GD-ĐT nên coi đây là một cơ hội tốt để thanh lọc và tinh giản đội ngũ. GV nào năng lực yếu kém đã qua bồi dưỡng, đào tạo lại mà vẫn không đạt yêu cầu thì cần phải có biện pháp để dừng công tác giảng dạy. “Đừng bắt HS phải học những GV vừa không có năng lực lại không có cả tâm huyết nghề nghiệp nữa”, bà Nhiếp phát biểu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), cũng cho rằng: “Sẽ rất khổ cho các HS nếu phải học những GV yếu kém”.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đề nghị cần có đánh giá thực chất về đội ngũ GV hiện nay để biết ở từng môn học đội ngũ GV đang thiếu gì, cần bổ sung như thế nào.
Hơn một lần tại hội nghị, GS Đỗ Đức Thái nhắc lại: “Nếu chương trình - sách giáo khoa hay đến mấy mà GV không thay đổi thì đổi mới giáo dục phổ thông cũng thất bại. Cái mà chúng tôi vô cùng lo sợ là nếu không thay đổi được đội ngũ GV, cách đánh giá, thi cử thì tất cả những công sức về đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy sẽ “ném xuống sông, xuống biển” hết. Chúng ta lại thất bại như tất cả các lần trước”, ông Thái nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.