Chuyến công du nhiều mục đích của Tổng thống Biden đến châu Á

20/05/2022 08:30 GMT+7

Từ ngày 20 - 24.5, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, đánh dấu chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.2021.

Nhân dịp này, Thanh Niên phỏng vấn TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) và GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) xung quanh chuyến công du lần này của Tổng thống Biden.

Tổng thống Biden chọn Hàn Quốc và Nhật Bản là các điểm đến cho chuyến công du châu Á từ ngày 20 - 24.5

Reuters

Kết nối Nhật - Hàn

Theo ông, Tổng thống Biden sẽ thảo luận những chủ đề chính nào trong chuyến công du?

TS Heath: Tổng thống Biden có thể sẽ thảo luận về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Ông Biden có thể sẽ cố gắng đề nghị Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường hợp tác với nhau và với Mỹ, trong bối cảnh vẫn tồn tại căng thẳng giữa Seoul và Tokyo.

GS Sato: Chuyến công du của ông Biden nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực. Đây là một minh chứng cho thấy Washington không rời mắt khỏi hành vi của Bắc Kinh trong khu vực ngay cả khi chiến sự đang căng thẳng ở Ukraine. Cụ thể, Mỹ gần đây đề phòng kịch bản giả định mà Trung Quốc đại lục lợi dụng tình hình chiến sự ở Ukraine để phát động một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan. Vì thế, ngay khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine, Mỹ đã điều chiến hạm hiện diện ở eo biển Đài Loan. Đó là cách gửi thông điệp răn đe đến Bắc Kinh, đồng thời thể hiện sự đảm bảo cho các đồng minh của Washington ở châu Á.

Bên cạnh đó, vấn đề của CHDCND Triều Tiên cũng sẽ là một nội dung chính trong các cuộc thảo luận. Hàn Quốc và Nhật Bản đều cảm thấy mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên. Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã mở ra khả năng hòa giải với Nhật Bản, nhưng thực tế thì hai bên không có động lực đủ mạnh để thực hiện một bước đi táo bạo trong quan hệ song phương nếu không có sự hưởng ứng của dư luận trong nước.

Kỳ vọng tích cực ở đây là Thủ tướng Nhật Fumio Kishida được đánh giá là sẽ phản ứng có tính xây dựng hơn so với cựu thủ tướng nước này Shinzo Abe đối với việc Washington làm trung gian kết nối Seoul với Tokyo. Về phía Hàn Quốc, chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể tiếp sức cho tân Tổng thống Yoon Suk-yeol trong việc đẩy mạnh giải quyết bất đồng với Nhật Bản.

Cũng liên quan vấn đề này, với sự am hiểu sâu sắc về khu vực Đông Á, ông Kurt Campbell, phụ trách điều phối chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong chính quyền đương nhiệm của Mỹ, có thể thúc đẩy việc Washington làm môi giới để Seoul và Tokyo gần gũi nhau hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì hiện tại việc Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động liên quan tên lửa khiến cho Hàn Quốc càng có động lực phát triển tên lửa tầm trung, dẫn đến tạo nên áp lực đối với Nhật Bản trong việc phát triển khả năng tấn công mặt đất tầm xa. Vì thế, nếu Mỹ kết nối hiệu quả quan hệ Nhật - Hàn thì sẽ tránh những áp lực vừa nêu.

Nhiều thách thức

Trong chuyến công du lần này, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của bộ tứ an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) diễn ra vào ngày 24.5 tại Tokyo. Theo ông, hội nghị sắp tới của bộ tứ có thể đạt những bước tiến nào?

TS Heath: Bộ tứ đã cho thấy xu hướng hợp tác nhiều hơn trong một loạt các vấn đề, điều này gửi đi một tín hiệu răn đe quan trọng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, không nên phóng đại bước tiến đạt được. Vẫn còn sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên trong nhóm và không rõ ràng là tất cả các thành viên có ủng hộ lẫn nhau trong trường hợp đối đầu với Trung Quốc hay không.

GS Sato: Bộ tứ sẽ phải xử lý cẩn trọng các kỳ vọng quá mức. Nhóm này sẽ không phối hợp các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga như cách mà Mỹ, EU và Nhật Bản đã làm. Đặc biệt là bộ tứ phải giải quyết quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Ukraine, các thành viên còn lại cần có cái nhìn lạc quan hơn với New Delhi. Hợp tác trước đó của bộ tứ đã bị ảnh hưởng khi máy bay vận tải của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không được phép hạ cánh xuống Ấn Độ để quá cảnh trên đường đến Ba Lan chở hàng hỗ trợ cho Ukraine.

Ngoài vấn đề Ukraine, bộ tứ sẽ giải quyết nhiều vấn đề khác như ứng phó với đại dịch, kinh tế số và an ninh mạng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng từ IPEF và an ninh hàng hải. Và mức độ mà Trung Quốc được đề cập (hoặc hàm ý) trong các cuộc thảo luận của bộ tứ có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý từ thế giới hơn là vấn đề Ukraine.

Nhận dịp này, Mỹ sẽ cùng các đối tác dự kiến sẽ khởi động IPEF. Ông đánh giá thế nào về IPEF?

TS Heath: IPEF là một bước tiến hữu ích trong việc xây dựng chiến lược kinh tế của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, nếu không có các điều khoản về mở rộng tiếp cận thị trường, thì triển vọng của IPEF không chắc chắn.

GS Sato: Với tư cách là nhà sản xuất chip nhớ lớn, Hàn Quốc chiếm vị trí quan trọng trong nỗ lực của Mỹ đối với IPEF. Mỹ đã cố gắng siết chặt các tập đoàn điện tử lớn của Trung Quốc thông qua các biện pháp kiểm soát, nên sự hợp tác của Seoul đối với Washington là rất quan trọng. Tuy nhiên, Hàn Quốc phụ thuộc vào Nhật Bản trong việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị sản xuất cho quá trình sản xuất chip nhớ. Vì thế, Hàn Quốc phải chịu áp lực từ phía Mỹ và Nhật Bản để phải tham gia IPEF, trong khi Hàn Quốc cũng lo ngại điều đó có thể khiến các công ty nước này bị mất thị phần ở thị trường Trung Quốc trước các nhà cung cấp nội địa.

Triều Tiên sắp thử hạt nhân, tên lửa ?

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 18.5 cho biết tình báo nước này dự đoán Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, hoặc cả hai, trước, trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Hàn Quốc và Nhật Bản. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi tình huống”, theo Reuters dẫn lời Cố vấn Sullivan nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng.

Theo ông Sullivan, Mỹ sẵn sàng thực hiện các điều chỉnh ngắn hạn và dài hạn đối với thế trận quân sự của nước này khi cần thiết “để đảm bảo Mỹ có thể cung cấp khả năng phòng thủ và răn đe cho các đồng minh tại khu vực, cũng như đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên”. Ông cho biết Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, và ông cũng đã thảo luận tình hình Triều Tiên với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc điện đàm hôm 18.5.

Trước đó, Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington đã sẵn sàng “kế hoạch B” nếu Triều Tiên có hành động “khiêu khích”.

Lam Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.