Chuyến đi châu Âu nhiều điểm nhấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngọc Mai
Ngọc Mai
16/12/2022 10:30 GMT+7

Tối 15.12 giờ địa phương (sáng 16.12 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Bỉ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức 3 nước châu Âu và dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU.

Trong 7 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cùng 3 nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam và 3 nước đối tác; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của 3 nước châu Âu với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN-EU

Nhật Bắc

Phát triển quan hệ thực chất, hiệu quả

Cụ thể, tại điểm dừng chân đầu tiên là Luxembourg - quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Xavier Bettel đã thống nhất cùng tạo cơ chế hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, nhu cầu phát triển của hai nước, đồng thời thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Thủ tướng đã đề nghị Luxembourg hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM, và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Luxembourg nói riêng và EU nói chung.

Tiếp động lực cho cộng đồng người Việt ở châu Âu

Khi hội đàm và gặp gỡ với các lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là 3 nước có chuyến thăm chính thức, Thủ tướng đều đề nghị chính quyền sở tại tăng cường hợp tác giáo dục, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại mỗi nước hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là cầu nối trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Thủ tướng còn gửi gắm các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài phải luôn coi trọng và nỗ lực hết sức để giúp đỡ, xử lý công việc của bà con kiều bào, đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan tiếp nhận những góp ý của kiều bào. Cộng đồng người Việt ở châu Âu đã hiến kế và bày tỏ mong muốn cống hiến cho đất nước, đặc biệt trong những lĩnh vực mới mà châu Âu có thế mạnh, và đã được Thủ tướng tiếp thêm động lực bằng khẳng định người Việt dù ở đâu đóng góp cho đất nước cũng là yêu nước.

Khi đến với Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte nhất trí cùng thúc đẩy để hai nước trở thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa ở hai khu vực. Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối logistics, hạ tầng chiến lược; hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Brainport; và đề xuất hai bên sớm ký hiệp định hợp tác lao động. Thủ tướng đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sinh thái, hiện đại, thông minh.

Ở điểm dừng chân cuối cùng là Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Alexander De Croo đã thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước, nhất là làm sâu sắc hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại và trên các lĩnh vực tiềm năng khác. Thủ tướng cũng khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, hệ thống hậu cần, cảng biển, hạ tầng chiến lược.

Ở cả ba nước, Thủ tướng đều đề nghị sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); và đề nghị các nước ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nội dung hợp tác, trao đổi quan điểm đã được Việt Nam và các bên tiến hành theo hướng thực chất và hiệu quả. Việt Nam và các bên cũng chứng kiến việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thủ tướng thăm Trung tâm nhà vườn thế giới World Horti Center (Hà Lan)

Vị thế, vai trò của Việt Nam được coi trọng

Khi thăm chính thức 3 nước châu Âu, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tiếp đón trọng thị. Lãnh đạo các nước đã dành nhiều tình cảm và sự tôn trọng cho đoàn Việt Nam.

Việt Nam là một thị trường năng động

Trả lời Thanh Niên, bà Anouk Hamers, lãnh đạo văn phòng Phó chủ tịch Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), đánh giá cao cuộc gặp của lãnh đạo EIB cũng như đại diện Ủy ban châu Âu với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bà cho rằng cuộc làm việc đã diễn ra rất hiệu quả và có tính xây dựng, qua đó mang tới những nền tảng để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EIB. Phía Ủy ban châu Âu cũng đã thể hiện quan điểm hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng các nhóm chuyên trách và đội ngũ kỹ thuật của hai bên sẽ có nhiều việc để làm nhằm hiện thực hóa những kế hoạch hợp tác theo như kỳ vọng của cả hai”, bà nói.

Trả lời Thanh Niên tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg, ông Tom Kunsch, Tổng giám đốc ExecuJet châu Á kiêm Giám đốc điều hành chi nhánh châu Á của Tập đoàn Luxaviation - một trong những doanh nghiệp vận hành trực thăng và máy bay thương mại lớn nhất thế giới, đánh giá Việt Nam là một thị trường năng động và đáng chờ đợi. Ngay trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Luxaviation và đối tác phía Việt Nam.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh rất coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá cao việc Việt Nam sớm kiểm soát đại dịch và đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định coi trọng vị thế và vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách của Hà Lan đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đại Công tước Luxembourg thì đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tại Brussels, Thủ tướng đã có các cuộc gặp song phương với một loạt lãnh đạo các quốc gia và đối tác châu Âu như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Czech, Ba Lan, Hy Lạp, Croatia, Lithuania, Rumani… Ở mỗi cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đều bày tỏ quyết tâm tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và thể hiện sự quan tâm, coi trọng đối với Việt Nam. Tại các cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu ra những đề nghị cụ thể, thiết thực và nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của lãnh đạo các nước, đối tác.

Thành viên có trách nhiệm

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-EU và các sự kiện liên quan, Thủ tướng đã đưa ra những thông điệp quan trọng về cách tiếp cận của Việt Nam cũng như các đề xuất mang ý nghĩa chiến lược, có chiều sâu. Trước những biến chuyển của thế giới, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hòa bình là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ, đề cao thượng tôn pháp luật, Hiến chương LHQ và các giá trị chung. Thủ tướng khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông, đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.