Nhiệt độ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và lượng đường trong máu cũng vậy. Với sự thay đổi mùa, người bệnh cần chăm sóc nhiều hơn.
Hầu hết những người tiểu đường có mức chỉ số đường huyết HbA1c cao hơn vào mùa đông vì cơ thể có xu hướng tiết ra nhiều đường hơn để giữ ấm vào mùa đông, theo tờ Hindustan Times.
Tiến sĩ Loveleena Munawa, chuyên gia tư vấn, bác sĩ chuyên khoa tiểu đường tại Trung tâm Bệnh tiểu đường Dr. Mohan's (Ấn Độ), gợi ý một số lời khuyên tuyệt vời cho những người mắc bệnh tiểu đường để kiểm soát lượng đường trong mùa đông.
Mùa đông có thể khiến mọi người ít hoạt động hơn và ăn uống tùy tiện hơn - đặc biệt có thể gây ra vấn đề đối với những người tiểu đường |
Shutterstock |
1. Chú ý hơn đến việc ăn uống
Tránh thực phẩm chế biến và chiên rán. Cố gắng đừng mua thức ăn chế biến sẵn, hãy nấu ở nhà. Làm điều này sẽ giúp tránh những thành phần không lành mạnh như dầu tinh chế, muối, đường. Hãy nhớ tính lượng carb cho tất cả các loại thực phẩm và tính toán insulin một cách chính xác cho những gì ăn vào.
2. Đừng lười tập thể dục
Một bài tập nhỏ mỗi ngày trong ít nhất 30 phút giúp cải thiện độ nhạy insulin, cho phép cơ thể điều chỉnh lượng đường tốt hơn, giữ ấm và thậm chí có thể cải thiện tâm trạng.
Cần theo dõi sát lượng đường trong máu, nhất là người phải sử dụng insulin. Ít tập thể dục có thể dẫn đến kiểm soát đường huyết kém trong mùa đông, vì vậy đừng bỏ qua việc đi bộ, theo Hindustan Times.
Có thể tập yoga, leo cầu thang vài lần, khiêu vũ, thậm chí là dọn dẹp phòng. Vận động cơ bắp để làm ấm cơ thể và giảm lượng đường trong máu.
3. Tăng cường miễn dịch để chống nhiễm bệnh
Các vấn đề như cảm cúm, cảm lạnh, ho, đau khớp… thường gặp vào mùa đông và có thể khiến bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng hoặc bệnh nặng hơn. Bị cảm có thể gây căng thẳng, dẫn đến lượng đường trong máu dao động.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Khi bị bệnh, rất khó để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Đừng bỏ qua việc đi bộ |
Shutterstock |
Để giữ sức khỏe trong mùa đông, hãy đảm bảo rằng bạn đã tiêm phòng cúm, ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng mỗi ngày, rửa tay thường xuyên, nếu bị bệnh hãy đi bác sĩ ngay.
4. Luôn uống đủ nước
Có một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường, đó là uống nước. Trong mùa đông, mọi người uống ít nước hơn vì lạnh, nhưng cơ thể cần duy trì đủ lượng nước để hoạt động bình thường. Nước có thể giúp ổn định nhu cầu điện giải của cơ thể. Bệnh nhân tiểu đường dễ bị mất nước, có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường nếu không được kiểm soát. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường có thể đe dọa tính mạng, xảy ra khi cơ thể người bệnh tạo ra quá nhiều axit trong máu.
5. Chăm sóc làn da, đặc biệt là đôi chân
Sự khô hanh trong mùa đông có thể khiến da mất đi độ ẩm và nứt nẻ, đặc biệt là ở bàn chân. Da chân nứt nẻ dễ bị vết thương và nhiễm trùng hơn.
Giữ chân khô ráo khỏi mồ hôi. Trong khi tập luyện, nhớ thoa kem để giữ ẩm. Theo dõi bất kỳ vết đứt, vết loét hoặc chỗ khô nứt trên bàn chân.
Nếu nhận thấy bất kỳ vết đứt hoặc vết thương lâu lành nào, hãy báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa tiểu đường, theo Hindustan Times.
Bình luận (0)