Chuyên gia 'giải mã' về kết quả xét nghiệm sinh hóa máu

Liên Châu
Liên Châu
03/07/2023 11:29 GMT+7

Xét nghiệm sinh hóa máu được chỉ định với bệnh nhân hoặc những người khám sức khỏe định kỳ. Tùy thuộc vào chỉ số, kết quả xét nghiệm cho phép nhận biết về chức năng gan, thận... hoặc cảnh báo ung thư.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, xét nghiệm sinh hóa máu là xét nghiệm y học phổ biến đo lường nồng độ của một số chất hóa học trong máu, qua đó giúp đánh giá chức năng của một số bộ phận, cơ quan trong cơ thể như gan, thận.

 Chuyên gia 'giải mã' về kết quả xét nghiệm sinh hóa máu - Ảnh 1.

Xét nghiệm sinh hóa máu giúp đánh giá tình trạng sức khỏe

BỆNH VIỆN TÂM ANH

Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu cơ bản bao gồm: nhóm đánh giá chức năng gan: AST, ALT, GGT, ALP. Ngoài ra, còn Albumin, Bilirubin, NH3, LDH; đánh giá chức năng thận: urê, creatinin, eGFR; đái tháo đường: glucose, HbA1c; mỡ máu: cholesterol, triglyceride, HDL-C, LDL-C; bệnh gout: axit uric; tình trạng dinh dưỡng: protein, albumin.

Với các trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm một số chỉ số khác (như viêm, khoáng chất, tụy, tim mạch…): CRP, ASO, RF, calci, magie, sắt, kẽm, Lipase, Amylase, CK, CK-MB, LDH…

Hoặc xét nghiệm hormone, sàng lọc ung thư như: FT3, FT4, TSH, CA153, CA125, CEA, AFP, PIVKA II, TG, ViTD…

Các trường hợp cần xét nghiệm sinh hóa máu

Về thời điểm cần làm xét nghiệm sinh hóa máu, Th.S Hà Văn Đại (Khoa Sinh hoá, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho hay, bác sĩ khám sẽ tư vấn chi tiết với người bệnh về thời điểm thích hợp cần làm xét nghiệm sinh hóa máu sau khi thảo luận về tiền sử, bệnh sử cá nhân và gia đình. 

Tuy nhiên, nhìn chung, xét nghiệm sinh hóa máu thường được tiến hành trong những trường hợp chủ yếu như: khám sức khỏe định kỳ hoặc khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh lý gan, thận, tim mạch… như: mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên hoặc quá ít, buồn nôn, nôn mửa…

Xét nghiệm sinh hóa máu cũng được chỉ định khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nhưng không liên quan đến cơ chế gây bệnh, chẳng hạn như dấu hiệu mệt mỏi do mất máu mãn tính từ vết loét dạ dày tá tràng…

Ý nghĩa của quả xét nghiệm sinh hóa máu

Trên văn bản thể hiện kết quả, ngoài kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, các chỉ số tham chiếu của quần thể bình thường cũng được hiển thị để hỗ trợ bác sĩ đưa ra kết luận các chỉ số, tình trạng sức khỏe của người được xét nghiệm là "bình thường" hay có thể là "bất thường".

"Tuy nhiên, việc kết luận kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giới tính, tuổi tác và tiền sử bệnh trước đó cũng như tình trạng bệnh hiện tại. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách theo dõi tiến triển của bệnh, đánh giá phương pháp điều trị phù hợp", Th.S Đại cho biết thêm.

Trong trường hợp bác sĩ nhận được kết quả bất thường, có thể cần phải kiểm tra lại. Nếu kết quả xác định bất thường, bệnh nhân cần được chuyển đến đúng chuyên khoa để tìm ra các bệnh nghi ngờ và điều trị sớm. Ngược lại, nếu kết quả bình thường, các thông số này cũng nên được lưu trữ làm giá trị tham chiếu cho những lần khám sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.