Chuyên gia hiến kế kiểm kê cổ vật Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/01/2024 07:33 GMT+7

Chuyên gia lịch sử văn hóa hiến kế tổ chức "kiểm kê" và nghiên cứu lai lịch các hiện vật quý của VN đang lưu lạc, hoặc đang thuộc sở hữu của các bảo tàng trên thế giới.

Đồ quý lưu lạc muôn nơi

TS Trần Đức Anh Sơn, một chuyên gia về lịch sử văn hóa, đã nhìn thấy cổ vật VN ở nhiều nước trên thế giới. Ông Sơn cho biết Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka từng có triển lãm Gốm Việt Nam, trong đó giới thiệu 133 món đồ gốm VN niên đại từ thế kỷ 12 - 18, được huy động từ 13 bảo tàng trên khắp Nhật Bản. Đó cũng là cuộc triển lãm quy mô nhất về gốm cổ VN từ trước đến nay ở Nhật Bản. Bảo tàng Gốm sứ Kyushu cũng từng mở triển lãm Gốm sứ xanh trắng của thế giới, trong đó VN góp mặt 10 cổ vật thuộc 2 dòng gốm Chu Đậu và Bát Tràng. Tất cả những món đồ gốm đưa ra trưng bày trong triển lãm này đều là tài sản của các bảo tàng Nhật Bản…

Chuyên gia hiến kế kiểm kê cổ vật Việt Nam- Ảnh 1.

Một hiện vật gốm Việt tại bảo tàng Nhật Bản

TƯ LIỆU CỦA TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Cổ vật VN, nhất là gốm cổ VN, tại Nhật Bản nhiều tới mức có thể làm ngay tại Nhật Bản những nghiên cứu về gốm Việt. TS Yajima, quản thủ kho gốm sứ của Bảo tàng Machida (ngoại ô Tokyo), đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Gốm Việt Nam thời Lê là một trường hợp như vậy. "Các bảo tàng này (Nhật Bản - NV) đang lưu giữa các dòng gốm VN thời Bắc thuộc, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê (nhiều nhất là gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu), gốm thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn... Nhờ vào nguồn hiện vật của các bảo tàng này, Yajima đã hoàn thành luận án tiến sĩ về gốm VN thời Lê mà không cần phải đến VN nghiên cứu", TS Trần Đức Anh Sơn cho biết.

TS Trần Đức Anh Sơn cũng gặp cổ vật Việt tại bảo tàng ở Bỉ. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels và Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz là những nơi có nhiều cổ vật VN nhất. "Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia có gần 3.000 cổ vật VN, có phòng trưng bày mang tên Nghệ thuật VN. Trong đó, trưng bày nhiều đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn… Sưu tập cổ vật VN quan trọng nhất ở bảo tàng này là 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, được đánh giá là sưu tập trống đồng VN lớn nhất ở hải ngoại", TS Sơn chia sẻ.

Chuyên gia hiến kế kiểm kê cổ vật Việt Nam- Ảnh 2.

Một linga kosa quý đang lưu lạc ở châu Âu

TƯ LIỆU CỦA TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp), theo TS Trần Đức Anh Sơn, có hơn 100 cổ vật Champa. Trong số này có những hiện vật cỡ bảo vật quốc gia. Có một hiện vật là linga bằng bạc gắn kosa bằng vàng (thế kỷ 8), vốn là niềm khao khát của bất kỳ nhà sưu tập mỹ thuật Champa nào. Bảo tàng Quân đội (Musée de l'Armée) ở Paris lại sở hữu thanh Thái A kiếm, vốn của vua Gia Long. Bảo tàng Mỹ thuật Rennes có sưu tập pháp lam của 2 triều Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847). Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 món pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Rennes lại có đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế.

Chuyên gia hiến kế kiểm kê cổ vật Việt Nam- Ảnh 3.

Một cổ vật triều Nguyễn được hoàn trả cho Huế

TƯ LIỆU CỦA TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Ở Đức, TS Sơn cho biết Bảo tàng Nghệ thuật Dresden có 1 chiếc đĩa lớn và 1 ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê. Cả 2 hiện vật này đều là đồ quý, được làm ra bởi một tay nghề điêu luyện vào thời hoàng kim của kỹ nghệ chế tác gốm hoa lam thời Lê. "So sánh với nhiều đồ gốm được giới thiệu trong cuốn sách Cổ vật Việt Nam do Bộ VH-TT VN xuất bản năm 2003, tôi cho rằng hai cổ vật này xứng đáng được xếp vào "chiếu trên", thuộc nhóm hàng "độc" của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê", TS Sơn nhận định.

Tổng kiểm kê

TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng muốn đưa cổ vật VN hồi hương, rất cần có một cuộc "tổng kiểm kê" cổ vật Việt còn đang ở các nước khác. "Theo tôi, Bộ VH-TT-DL nên thành lập các tổ công tác, gồm các nhà sử học, các chuyên gia về bảo tàng, các nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành rà soát trong các tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở VN, các kho lưu trữ tài liệu từ thời kỳ Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có cổ vật nói riêng, di sản văn hóa nói chung, bị mất cắp trước đây, để lập danh sách những di sản văn hóa VN bị mất cắp, thất thoát", TS Sơn cho biết.

Chuyên gia hiến kế kiểm kê cổ vật Việt Nam- Ảnh 4.

Bát vàng đã được hồi hương sau phiên đấu giá tại Pháp của nhà đấu giá Millon

Millon

Nhóm chuyên gia này cũng sẽ tìm kiếm thông tin tại các bảo tàng nước ngoài nơi đang có cổ vật VN để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. TS Sơn cho rằng đó là những chứng cứ để Chính phủ VN có thể liên hệ với các nước liên quan nhằm vận động họ ban hành chính sách yêu cầu bảo tàng, sưu tập tư nhân nước họ hoàn trả cổ vật, di sản văn hóa của VN mà họ đang sở hữu.

TS Sơn cho biết đã có những nước được trả lại hiện vật theo cách thức như vậy. Ông đưa ra ví dụ về việc năm 2021, Đại học Aberdeen ở Anh đã bàn giao toàn bộ những cổ vật bằng đồng quý hiếm của Hoàng gia Benin cho Bảo tàng Quốc gia Lagos (Nigeria). Những cổ vật này Đại học Aberdeen đã mua được trong cuộc đấu giá vào năm 1957. Chúng được bàn giao lại sau khi có yêu cầu chính thức của Chính phủ Liên bang Nigeria và phán quyết của một Tòa án Đại học ở Anh vào 2021.

TS Sơn còn cho rằng đang có "trào lưu trả lại cổ vật cho các thuộc địa từng bị các nước thực dân đánh cắp, cướp". Trào lưu này xuất hiện nhờ sự đấu tranh kiên trì của các nước có di sản văn hóa bị cướp bóc trong thời kỳ thuộc địa, bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép… Nó cũng xuất hiện do các quốc gia (từng là thực dân) ở châu Âu đã dần dần thay đổi quan điểm đối với các di sản văn hóa của nước khác đang "lưu lạc" trên đất nước của họ. Nhiều chính khách cũng đã vận động thay đổi luật để có thể hoàn trả cổ vật về cố quốc. Điều này, theo TS Sơn, mang lại nhiều hy vọng mang cổ vật Việt hồi hương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.