Chuyên gia hướng dẫn cách ăn trái cây cho người bệnh tiểu đường

Thiên Lan
Thiên Lan
28/11/2019 14:25 GMT+7

Như chúng ta đã biết, ăn uống đúng cách là nền tảng để điều trị bệnh tiểu đường thành công.

Sự lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân tiểu đường thường khá hạn chế. Có rất nhiều hạng mục bị cấm và hạn chế trong thực đơn của bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là carbohydrate. Trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 2, carbs này biến thành đường, ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết.
Trái cây là loại thực phẩm mà hầu hết bệnh nhân tiểu đường đều nghi ngờ vì chúng rất giàu carbohydrate.
Vậy liệu bệnh nhân tiểu đường có nên cắt bỏ trái cây ra khỏi thực đơn hay không?
Câu trả lời là không.
Thực tế, hầu hết các loại trái cây đều giàu chất xơ, giúp duy trì lượng đường trong máu. Tuy nhiên, chúng cũng chứa đường. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân tiểu đường thường sợ rằng ăn trái cây sẽ làm cho đường huyết tăng vọt.
Nhưng thực tế chỉ có những thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao - thường là thực phẩm giàu carbohydrate, làm tăng lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ.
Mặt khác, tiêu thụ thực phẩm có chỉ số GI thấp giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Sau đây là ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng Dhvani Shah, từ Mumbai (Ấn độ), về việc ăn trái cây đối với bệnh nhân tiểu đường.
Thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ phân hủy chậm và giúp duy trì ổn định lượng đường trong máu sau khi ăn. Chỉ số đường huyết GI của một loại thực phẩm là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn thực phẩm đó.
Hầu hết các loại trái cây có chỉ số đường huyết GI từ thấp đến trung bình và an toàn để ăn.
Sau đây là cách ăn trái cây đảm bảo an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, theo The Health Site.

1. Nên ăn trái cây kèm với các loại hạt

Ăn các loại hạt sẽ rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì đây là nguồn chất xơ tuyệt vời làm chậm quá trình hấp thụ đường. Vì vậy, nếu ăn trái cây có chỉ số đường huyết hơi cao, hãy ăn kèm với các loại hạt, sẽ giúp giữ cho đường huyết ổn định, theo The Health Site.

2. Nên ăn trái cây cách xa bữa ăn

Tránh ăn trái cây trong bữa ăn vì bữa ăn thường có nhiều carbohydrate và điều này có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Hãy ăn trái cây cách xa bữa ăn.

3. Đừng ăn trái cây khi đo thấy đường huyết cao

Nếu bạn thường xuyên kiểm tra đường huyết và phát hiện mức đường huyết cao, đừng ăn trái cây, mà hãy chờ cho đường huyết hạ xuống.
Lúc đó, hãy ăn một món nhẹ giàu protein như một quả trứng luộc hoặc các sản phẩm từ sữa, đi dạo hoặc uống thuốc để hạ đường huyết, theo The Health Site.
Đừng ăn trái cây cho đến khi lượng đường trong máu hạ xuống.

4. Tránh uống nước ép trái cây đóng chai

Bởi vì nước trái cây đóng chai có thể có chất làm ngọt nhân tạo và có thể không có chất xơ.

5. Tránh ăn tráng miệng bằng trái cây

Vì trái cây có thể làm tăng lượng đường trong máu. Hãy ăn trái cây cách xa bữa ăn ít nhất 2 giờ.

6. Tránh ăn trái cây sau 5 giờ chiều

Vì trái cây gây khó khăn cho quá trình chuyển hóa fructose vào cuối ngày.
Dưới đây là chỉ số đường huyết của các loại trái cây, giúp bạn tham khảo để lựa chọn đưa vào thực đơn của mình, theo The Health Site.
• Trái cây có chỉ số đường huyết GI thấp - dưới 55:
Táo, bơ, chuối, quả mọng, quả Cherry, bưởi, nho, trái kiwi, cam, trái đào, lê, mận, dâu tây.
• Trái cây có chỉ số đường huyết GI trung bình - từ 56 đến 69:
Dưa bở, quả sung, đu đủ, dứa.
• Trái cây có chỉ số đường huyết GI cao - từ 70 trở lên:
Quả chà là, dưa hấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.