Tốc độ lây nhiễm không nhanh như COVID-19
Trao đổi với Thanh Niên vào ngày 5.5, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết theo thống kê của các nước trên thế giới, hiện có 228 trẻ ở hơn 20 quốc gia bị mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, chưa tính đến 50 ca đang điều tra. Trong đó, có khoảng 10% phải ghép gan, 5 ca tử vong.
"Hiện chưa rõ tốc độ lây nhiễm như thế nào nhưng ban đầu cho thấy không nhanh như Covid-19", bà Thu Anh đánh giá.
Chuyên gia cảnh báo khả năng bệnh viêm gan bí ẩn vào Việt Nam là rất cao |
Theo tiến sĩ Thu Anh, hiện vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này nhưng các nhà khoa học đang nghi do Adenovirus vì tìm thấy virus này ở nhiều trẻ. Nhưng không phải là tất cả trẻ đều nhiễm Adenovirus. Adenovirus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp hoặc bề mặt đồ vật có dính virus.
Sinh thiết gan một số trẻ thì không tìm thấy dấu hiệu nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy nên xét nghiệm máu toàn phần thay vì huyết tương để tìm Adenovirus.
Triệu chứng của bệnh gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, vàng da hoặc mắt, xét nghiệm men gan thấy tăng cao. Phương pháp điều trị hiện tại là chữa triệu chứng, trong trường hợp nặng thì ghép gan.
"Hầu hết trẻ mắc viêm gan không tiêm vắc xin Covid-19 nên vắc xin không phải nguyên nhân. Vẫn chưa thể nhận định nhóm trẻ nào dễ mắc bệnh viêm gan bí ẩn này", tiến sĩ cho hay.
Theo đánh giá của tiến sĩ Thu Anh, khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó các bác sĩ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ âm tính với những vi rút gây các bệnh viêm gan thông thường |
minh họa: shutterstock |
Quan trọng là phát hiện sớm, điều trị bệnh
Cùng ngày (5.5), bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn khả năng cao do virus adeno 41.
Theo bác sĩ Khanh, so với tốc độ lây nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ nhiễm bệnh này rất thấp, dàn trải, chứng tỏ có cơ địa đặc biệt, ví dụ trẻ suy giảm miễn dịch hoặc từ nhỏ không có miễn dịch với virus adeno 41.
"Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng không phải tất cả em bé tiếp xúc với virus đều nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh rải rác. Do đó việc có thể làm là phát hiện sớm để điều trị chứ không có biện pháp ngăn ngừa như cách ly", bác sĩ Khanh nhận định.
Theo bác sĩ Khanh, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, nhưng khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nếu có thì nó sẽ xuất hiện rải rác, nhiệm vụ của mình là phát hiện sớm, điều trị. Virus adeno 41 không thể gây ra dịch do đó không nên hoang mang.
Phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn, uống thuốc nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ bệnh suy gan, nặng hơn thì lọc gan, ghép gan.
5 điều cần biết về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em khiến thế giới lo ngại |
Viêm gan bí ẩn đã xuất hiện ở Đông Nam Á, 3 trẻ tử vong
Bộ Y tế Indonesia ngày 2.5 thông báo nước này đã ghi nhận 3 bệnh nhi tử vong vì bệnh Viêm gan bí ẩn chưa rõ nguyên nhân, theo Bloomberg. Các bệnh nhi này có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức.
Hôm 30.4, Bộ Y tế Singapore xác nhận một bé trai 10 tháng tuổi ở nước này bị VGCT chưa rõ nguyên nhân, theo kênh CNA. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ âm tính với những vi rút gây các bệnh viêm gan thông thường.
Bình luận (0)