Chuyên gia lo 'hỏng cả một thế hệ' nếu học sinh tiếp tục ở nhà

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/01/2022 19:08 GMT+7

Các chuyên gia y tế hối thúc việc cho học sinh trở lại trường không chỉ vì lo ngại về “nguy cơ hỏng cả một thế hệ” mà còn dựa trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.

Tại hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 19.1, nhiều chuyên gia y tế khẳng định việc mở cửa trường lúc này là rất cần thiết và phù hợp với tình hình dịch bệnh ở nước ta.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phát biểu tại hội nghị

thế đại

Nguy cơ trẻ lây nhiễm ở trường ít, ở nhà quá nhiều mối lo

Theo thông tin của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nhóm từ 0 đến 17 tuổi chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18 đến 49 là trên 15%...

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng ủng hộ chủ trương mở cửa lại trường học vì cho rằng ngoài yếu tố ảnh hưởng chất lượng giáo dục, có “nguy cơ hỏng cả một thế hệ”, phát biểu của ông còn dựa trên cơ sở khoa học về y tế.

Cụ thể, theo PGS Nga, chúng ta đã có 2 năm kinh nghiệm phòng, chống dịch, đã biết rõ về cơ chế lây truyền của Covid-19; đã có biện pháp bảo vệ, điều trị tốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Cũng theo PGS Nga, trẻ em bị lây nhiễm và biểu hiện nhẹ hơn nhiều, nguy cơ tử vong thấp hơn rất nhiều so với người lớn tuổi có bệnh nền. Theo CDC Mỹ, nguy cơ lây lan trong trường học thấp hơn nhiều so với trong cộng đồng.

GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, cho rằng quan sát cho thấy trẻ bệnh trong trường học rất ít mà chủ yếu là lây từ các thành viên trong gia đình. Ông nêu quan điểm: “Chúng ta chỉ có thể chọn giải pháp an toàn nhất chứ không thể có giải pháp an toàn tuyệt đối”.

Do đó, GS Trí khẳng định, đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. "Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", GS Trí nói.

PGS - TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh việc Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới học sinh. Ngoài học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối bạn bè, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi tất cả. Theo thống kê gần đây tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tăng vọt, chiếm 30% trên tổng số bệnh nhân.

Còn nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP.HCM cho thấy, 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

PGS Mạnh Hà bày tỏ lo ngại việc học trực tuyến, thi trực tuyến còn dễ tạo ra thói quen gian lận, thiếu trung thực trong thi cử.

Trẻ mầm non TP.HCM từ 3 tuổi sẽ đến trường ngay sau Tết Nguyên đán

Đưa trẻ đến trường không chờ tiêm phủ vắc xin

Trẻ 5 - 11 tuổi chưa tiêm vắc xin nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và các chuyên gia đều cho rằng vẫn phải lên kế hoạch cụ thể cho học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học trở lại trường càng sớm càng tốt.

PGS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hướng dẫn trẻ tuân thủ quy tắc 5K trong trường học. Ông Điển cho rằng không cần chờ tiêm phủ vắc xin Covid-19 mới cho trẻ 5 - 11 tuổi trở lại trường và khẳng định ông sẵn sàng phối hợp với ngành GD-ĐT trong công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng thuận, tin tưởng với tư cách là chuyên gia về nhi khoa.

"Cha mẹ học sinh cần làm gì để đưa trẻ đến trường mà không cần chờ tiêm phủ vắc xin Covid-19?", PGS Điển cho rằng, dù đã tiêm vắc xin thì “5K” tiếp tục là giải pháp phòng ngừa cơ bản, dễ áp dụng nhằm ngăn chặn phát tán và lây lan vi rút SARS-CoV-2.

Ngoài ra, cần đảm bảo các thành viên trong gia đình đã tiêm đủ vắc xin, nắm rõ quy trình phòng, chống dịch tại trường học của con...

Theo PGS Điển, ngay cả khi trẻ bị mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường, béo phì cũng vẫn có thể cho trẻ đến trường, tuy nhiên cha mẹ cần quan tâm đến tình hình dịch tại cộng đồng và công tác phòng bệnh của nhà trường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.