Hình ảnh mây vòm đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) |
BẢO HUY |
Từ sáng nay (24.11), trên mạng lan truyền hình ảnh mây vòm đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Đó là một đám mây to như cái nón lá bao trùm đỉnh núi như một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.
Giải mã hiện tượng ‘mây đĩa bay’ siêu hiếm bao phủ đỉnh núi Bà Đen |
‘Hình ảnh độc lạ, hiếm khi xảy ra’
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Cấn Thu Văn, Trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết hình ảnh ghi nhận được mây trên núi Bà Đen sáng 24.11 thật sự là hình ảnh độc lạ, hiếm khi xảy ra.
Tuy nhiên tiến sĩ Cấn Thu Văn nhìn nhận: “Những ai sống ở gần núi này hoặc một số núi khác cũng sẽ bắt gặp đôi lần mây xuất hiện trên đỉnh núi với những hình dạng độc đáo. Vì những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc thành những khối, lơ lửng ở độ cao chân mây khoảng 700-1.000m, nhìn từ dưới lên có những lúc hình dạng như bắp cải, hình đe… Do cấu trúc không bền vững, dưới tác động của gió và vận chuyển bên trong khối mây, nên khối mây luôn ‘di động’, cấu trúc luôn thay đổi nên hình dạng rất đa dạng”.
Tiến sĩ Văn giải thích thêm: “Trên các đỉnh núi, thường hình thành những đám mây tầng thấp, hình thành nhanh, tan nhanh (nên mới có tên gọi đỉnh Phù Vân ở Yên Tử- minh chứng cho điều này). Đặc biệt, những núi đứng độc lập hay ‘cô đơn’ (xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng) có độ cao núi từ 700-1.000 m như núi Bà Đen sẽ rất dễ hình thành mây trên đỉnh núi”.
“Tuy nhiên đặc điểm những đám mây địa hình này đa phần sẽ tồn tại không lâu’, tiến sĩ Văn cho hay.
Hình ảnh mây vòm đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) được ghi nhận sáng nay |
bẢO hUY |
Vì sao có hiện tượng trên?
Theo tiến sĩ Cấn Thu Văn, mây được hình thành trong điều kiện khí tượng nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm không khí cao và có các hạt nhân ngưng kết (gọi là sol khí). Độ ẩm không khí càng cao, nhiệt độ không khí càng thấp, mật độ hạt nhân ngưng kết càng nhiều thì trạng thái khí quyển càng nhanh đạt tới bão hòa hơi nước, làm cho mây dễ hình thành. Trong điều kiện bình thường ở khí quyển tầng thấp (tầng đối lưu), càng lên cao nhiệt độ càng giảm, tức là trên đỉnh núi nhiệt độ thấp hơn dưới chân núi.
“Núi Bà Đen – Tây Ninh với độ cao 986m, nhiệt độ tại đỉnh núi thấp hơn dưới chân núi khoảng 6-7oC. Nhiệt độ lúc 7 giờ sáng 24.11 tại TP. Tây Ninh là 24 0 C, độ ẩm không khí 94% thì trên đỉnh núi Bà Đen nhiệt độ khoảng 170C, trong mấy ngày vừa qua, đêm và sáng sớm có mưa, độ ẩm không khí cao, 95-97%, đây là điều kiện tốt để hình thành mây”, chuyên gia này phân tích.
Lý giải thêm về hiện tượng này, tiến sĩ Cấn Thu Văn cho hay: “Đặc điểm bức ảnh 6 giờ sáng ngày 24.11 cho thấy mây chỉ tồn tại trên đỉnh núi, trên bầu trời lúc này quang mây, cấu trúc khối mây chỉ gọn phủ lên phần đỉnh. Rất có thể trước đó đám mây có bề rộng rộng hơn, hình dạng khác hơn, càng về sau, sau 6 giờ có ánh sáng mặt trời tăng dần, năng lượng bức xạ mặt trời tăng, nhiệt độ không khí bắt đầu tăng thì những đám mây ngoài rìa tan thành những mây khác được đẩy ra xa hoặc lên tầng cao (tạo thành mây tầng giữa). Dần dần, những biến đổi tự nhiên vô tình tạo thành hình dạng như chiếc nón đội lên đỉnh núi hay giống đĩa bay. Không khí có xu hướng chuyển động đi lên (dòng thăng) nhưng yếu, cũng tạo ra các phần tử hạt mây có hướng chuyển động đi lên, tạo nên các lớp trong cùng khối mây này (giống như những chiếc nón xếp chồng lên nhau. Sau khoảng thời gian vài chục phút khi nhiệt độ không khí càng tăng lên thì đám mây này sẽ dần tan”.
Hiện tượng này có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Chuyên gia cũng cho rằng hiện tượng này sẽ còn gặp lại, nhất là vào khoảng tháng 11, thường rơi vào những ngày có nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm không khí cao. Nhưng hình dạng thì khó lặp lại giống hệt như hình xảy ra như 6 giờ ngày 24.11 vì hình dạng là ngẫu nhiên.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Hình ảnh mây vòm đỉnh núi Bà Đen có báo hiệu điều gì bất thường về thời tiết không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Câu trả lời là không, đây chỉ là hình dạng của một đám mây, sự xuất hiện theo điều kiện khí tượng bình thường, chỉ có hình thức đám mây rất đặc biệt”.
Mây dạng thấu kính rất hiếm gặp
Những đám mây bao quanh núi Bà Đen ngày 24.11 có dạng hình đặc biệt giông như cây nấm hay UFO (Unidentified Flying Object - vật thể bay không xác định). Đặc điểm của đám mây này là mây Altocumulus (mây thấu kính). Mây dạng thấu kính (tiếng Anh: Lenticular cloud, tiếng Latinh: Altocumulus lenticularis) là những đám mây hình thành cố định trong tầng đối lưu, đặc trưng là luôn luôn đứng im cho dù sức gió có mạnh tới đâu. Điều này xảy ra chính nhờ quá trình ngưng tụ hơi nước liên tục trong bầu khí quyển. Chúng được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau.
Có 3 loại đám mây dạng thấu kính chính: dạng thấu kính đứng trung tích, dạng thấu kính đứng tích tằng và dạng thấu kính đứng ti tích, thay đổi theo độ cao ở trên mặt đất. Mây dạng thấu kính rất hiếm gặp, thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí khô và ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây. Do hình dạng như một chiếc đĩa, mây dạng thấu kính thường bị nhầm lẫn với đĩa bay (UFO)”
Bình luận (0)