Với phương châm “Đi làm thuê - Về làm chủ”, tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã trở thành điểm sáng của ĐBSCL và cả nước trong công tác đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với hơn 7.000 người. Trung bình mỗi năm, số lao động xuất khẩu trên đã mang về cho gia đình và địa phương khoảng 1.500 tỉ đồng, một con số “trong mơ” đối với nhiều địa phương khác trong khu vực ĐBSCL.
Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp đề ra kế hoạch đưa 1.000 lao động xuất ngoại. Tính đến tháng 6, tỉnh đã đưa được 724 lao động sang làm việc tại các thị trường: Nhật Bản (641 người), Đài Loan (37 người), còn lại các nước khác như Hàn Quốc, Ba Lan... Theo ngành LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp, sở dĩ đưa được lao động ra nước ngoài làm việc trong mùa đại dịch là do từ năm trước, tỉnh này đã tuyển chọn và đào tạo định hướng sẵn cho hàng trăm lao động nên có thể đưa ngay lao động ra nước ngoài làm việc vào đầu năm theo yêu cầu của đối tác. Hiện tỉnh này đang còn 1.472 lao động đã trúng tuyển, học định hướng để chờ ngày xuất cảnh.
Thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp cho biết đối với thị trường Nhật Bản, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 28 - 30 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng. Đó thực sự là mức thu nhập đáng mơ ước và là con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho nhiều gia đình ở một địa phương thuần nông như tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động giữa mùa đại dịch ở Đồng Tháp cũng không phải hoàn toàn suôn sẻ. Vào tháng 3.2020, nhiều phụ huynh có con em đi xuất khẩu lao động tại Ba Lan tỏ ra lo lắng cho sự an nguy của con em mình trước tình hình dịch Covid-19 hoành hành ở châu Âu và yêu cầu địa phương có biện pháp hỗ trợ đưa các lao động về nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu và Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp phải tổ chức buổi gặp gỡ để “xoa dịu tình hình”. Cũng có ý kiến cho rằng trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở các nước sở tại nhưng tỉnh vẫn đồng ý cho lao động xuất ngoại được xem là nước cờ “mạo hiểm” đối với sức khỏe của các lao động...
Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp, cho biết đến nay chưa có lao động Đồng Tháp nào ở nước ngoài mắc bệnh, do các công ty nơi tiếp nhận lao động ở nước ngoài đều được quản lý, kiểm tra sức khỏe của lao động rất chặt chẽ. Tất cả lao động của tỉnh đều được xuất cảnh từ ngày 1.1 đến 30.3, trước khi Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu tạm dừng tổ chức xuất cảnh lao động vào đầu tháng 4.
Cùng với việc các đơn hàng lao động đang có những dấu hiệu trở lại tại các thị trường chủ lực thì việc Đồng Tháp xuất khẩu được nhiều lao động cũng là một tin vui, báo hiệu sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu lao động.
Bình luận (0)