Chuyển ngữ, cover nhạc bất chấp

30/08/2019 06:26 GMT+7

Sau cơn sốt Độ ta không độ nàng - ca khúc nhạc Hoa được viết lời Việt với hàng chục phiên bản cover, nhiều bản nhạc Hoa khác tiếp tục được Việt hóa, làm cả MV. Nhưng khi đề cập đến việc có xin phép tác giả để chuyển ngữ, cover không thì ai cũng bỏ qua thủ tục này.

Mới đây nhất, MV Thanh xuân không hồi đáp do nhóm Cà Na Entertainment và For Unicorns chuyển ngữ, cover từ bản hit Đợi em tan học của ca sĩ xứ Đài Châu Kiệt Luân. Khi liên hệ với đại diện của nhóm thực hiện, được biết các bạn vì thấy thích bài hát nên chuyển ngữ và làm MV chứ không nghĩ đến việc xin phép. Ngay cả giọng ca chuyên cover ca khúc nhạc ngoại lẫn Việt là Thái Quỳnh (được biết đến nhiều từ bản cover Độ ta không độ nàng) cũng cho biết, việc phiên ra lời Việt rồi cover để hát, đăng trên YouTube “chỉ là làm cho vui, chứ liên hệ khó lắm, và lâu nay hình như cũng chẳng ai liên hệ để xin”. Theo Thái Quỳnh: “Thực tế chuyện đó không quá quan trọng, vì mình vẫn ghi đàng hoàng là nhạc ngoại lời Việt chứ không lấy hoàn toàn bài hát của họ. Theo tôi biết thì nước ngoài họ chẳng để ý chuyện này đâu”. Dù vậy, Thái Quỳnh nói thêm rằng sau khi chính thức ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tiên của mình - Người anh thương nhất, với mong muốn chính thức theo đuổi con đường âm nhạc, anh sẽ “chú ý đến luật lệ hơn, cẩn trọng hơn khi cover”.
Trong khi đó, việc cover một bản nhạc nước ngoài với lời Việt tự phiên/chuyển ngữ mà chưa được sự cho phép của tác giả/đơn vị nắm bản quyền là sai với quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Bởi, việc chuyển ngữ ca khúc ở đây được hiểu là việc làm phái sinh. Theo quy định tại khoản 8, điều 4 luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn; luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định người làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc, trừ trường hợp ngoại lệ là chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Chính vì vậy, với việc tự dịch lời Việt để cover những bản nhạc ngoại mà nhiều bạn trẻ đang thực hiện và xem đó là “thích thì làm”, “ngẫu hứng cho vui”, theo các luật sư, là xâm phạm quyền tác giả theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ, có thể bị tác giả gốc hoặc đơn vị nắm bản quyền kiện như thường. Như trường hợp Độ ta không độ nàng, sau khi một công ty tại VN tuyên bố đã mua bản quyền bài hát này, cũng như có toàn quyền đối với ca khúc ở VN, yêu cầu thu tiền tác quyền 5 triệu đồng/bản cover và 33% doanh thu mà nghệ sĩ cover có được từ bài hát, các video Độ ta không độ nàng đã bị xóa khỏi YouTube.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.