Chuyện những phụ nữ đặc biệt - Kỳ 1: Nữ thợ mộc xứ dừa

14/12/2017 09:08 GMT+7

Không phát triển mạnh mẽ như xưa vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng làng mộc Tiên Tây Vàm (xã Tiên Thủy, H.Châu Thành, Bến Tre) được nhiều người biết đến bởi những thợ mộc khéo tay là phụ nữ.

Những năm tháng trước kia, mỗi khi vào mùa, làng mộc Tiên Tây Vàm trở nên nhộn nhịp bởi tiếng cưa, tiếng đục gỗ... Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nghề mộc ở làng dần giảm nhiệt. Một phần do sản phẩm không còn được ưa chuộng, giá thành cạnh tranh kém, kéo theo nhiều nhân công nữ bỏ nghề. Riêng những nữ thợ mộc khéo tay ngày nào giờ đây phải tự vật lộn với cuộc sống.
Chồng cưa, vợ đục
Ở làng Tiên Tây Vàm, nghề mộc được xem là một nghề truyền thống của cha ông. Sản phẩm được sản xuất từ các loại gỗ tạp sẵn có để phục vụ nhu cầu của đại bộ phận dân chúng nông thôn.
Điểm khác biệt ở làng mộc này là các cặp vợ chồng cùng nhau làm việc. Hễ chồng làm ở đâu thì có vợ ở đó. Nhiệm vụ được phân công theo từng công đoạn. Chồng cưa, vợ đục. Ông Lê Văn Phương (57 tuổi), trưởng nhóm thợ mộc ấp Tiên Tây Vàm, cho biết ở xứ mộc này ngộ lắm, phụ nữ về làm dâu hay con gái mới lớn cũng đều biết chút ít nghề mộc.
Phụ nữ về nhà chồng ít lâu đã “ngứa tay” cầm búa, bàn bào lẽo đẽo theo chồng phụ việc. Dần dần, những phụ nữ chân yếu tay mềm cũng trở thành thợ không thể thiếu của làng. Công việc của nữ thường là xả mộng, lắp ghép, đục đẽo. Một thợ nữ giỏi có thể tự tay làm trọn gói một chiếc giường như ý.
Chuyện những phụ nữ đặc biệt - Kỳ 1: Nữ thợ mộc xứ dừa1
Chỉ tay về vợ và con dâu, ông Phương nói như một minh chứng cụ thể. Vợ ông là bà Tạ Thị Thu Vân (57 tuổi) có hơn 36 năm làm nghề mộc, được xem là cựu trào của làng mộc hiện nay. Những năm tháng trong nghề cũng gần bằng thời gian bà Vân về làm dâu xứ mộc. Đến giờ bà cũng không nhớ nổi đã đóng bao nhiêu sản phẩm từ gỗ.
“Tôi chỉ nhớ khi đám cưới, tôi mới 21 tuổi. Chừng 2 năm sau, tôi đã làm thợ. Lúc đó, tôi chỉ biết cầm búa, cầm đục đi theo sau lưng chồng phụ làm mướn cho người ta. Ngày đầu làm thợ tôi cầm đục, đục lâu lắm, tay chân nhức mỏi, đau lưng dữ lắm. Cứ vậy đục vài lần rồi quen, từ từ thành nghề”, bà Vân nhớ lại kỷ niệm lần nhập môn làm mộc.

Nếu bỏ nghề mộc này tôi cũng không biết lấy gì mà sống. Giờ bỏ cũng không bỏ được, phải ráng làm kiếm sống qua ngày

Hà Mỹ Truyền

Mỗi ngày theo chồng là mỗi ngày học hỏi. Bà được ông Phương cầm tay chỉ việc từ công đoạn sơ chế đến lắp ghép chiếc bàn thành phẩm. “Bất cứ công đoạn nào vợ tôi cũng thuần thục.
Thời sung sức, một ngày bà ấy có thể tự đóng được từ 1 - 2 chiếc giường lớn mà không cần tôi giúp. Tay cầm cưa, chân gác lên ghế, bà cứ hì hục cưa gỗ không khác gì đàn ông chúng tôi”, ông Phương kể.
Nhưng theo bà Vân, công đoạn khó nhất là lúc đóng chân giường rồi lắp ghép bởi việc này nặng nhọc so với sức vóc phụ nữ. Ngoài việc làm nghề, bà Vân còn cáng đáng luôn việc nấu cơm, nuôi con ở nhà. Hiện bà Vân gần như “giải nghệ” vì tuổi cao, sức khỏe không cho phép.
Nữ thợ mộc cuối cùng
Trong những ngày ở làng mộc, tôi có dịp đi lang thang dọc con đường dẫn vào làng nghề. Nhiều khu xưởng nhỏ dựng sát đường vẫn còn hoạt động cầm chừng.
Năm 2013, Hội Làng nghề mộc ấp Tiên Tây Vàm được thành lập. Số thành viên nữ trên dưới 20 người, đa số là hộ nghèo. Trong đó mỗi hộ là một cặp vợ chồng cặp kè bên nhau. Mỗi xưởng đều có từ 2 - 3 phụ nữ làm việc. Vài năm sau, số lượng thợ nữ lần lượt “dứt áo ra đi” tìm công việc khác bởi nghề mộc bây giờ không đủ nuôi sống họ. Phần khác vì tuổi già nên nhiều người đành “gác búa” bỏ nghề.
Duy nhất chỉ còn lại bà Hà Mỹ Truyền (47 tuổi) còn gồng gánh bám trụ. Như nhiều phụ nữ khác, bà Truyền làm nghề từ lúc về làm dâu. 15 năm lấy chồng là chừng ấy thời gian bà Truyền làm nghề mộc. Cuộc sống vất vả, kinh tế eo hẹp nên bà quyết theo chồng học nghề. Ngày nhập môn, bà sợ toát mồ hôi vì đôi tay yếu ớt lại đi cầm búa đóng bàn.
Dần dà, đôi tay ấy trở nên cứng cáp hơn sau mỗi nhát búa đục đẽo. “Mới vô nghề tôi ngán làm lắm, sợ đứt tay, hư gỗ của chủ thì đền chết. Còn đục thì méo mó tùm lum. Ông xã thấy vậy lấy viết kẻ ô cho tôi làm ngay lại. Nhiều lúc tôi vụng về đóng búa bị dập tay dập chân hoài”, bà Truyền tâm sự.
Càng về trưa, tiếng máy cưa è è phát ra từ căn xưởng nhỏ ngày một nhiều. Đây là nơi vợ chồng bà Truyền hì hục đóng giường để kịp tiến độ. Mỗi người một việc, không ai nói với ai lời nào. Ông Đỗ Hoàng Giang (chồng bà Truyền) phụ trách phần cưa và bào cây. Còn bà Truyền đục đẽo, khoan và lắp ghép thành phẩm.
Chuyện những phụ nữ đặc biệt - Kỳ 1: Nữ thợ mộc xứ dừa2
Đa phần thợ nữ đều thành thạo những công đoạn làm nghề
Trong buổi sáng, một tay bà Truyền ôm chục thanh gỗ để đục làm mối nối. Lần lượt, bà cho các thanh gỗ nằm sát đất, tay phải cầm búa, tay trái cầm đục. Các cơ bắp trên tay cuộn lên theo nhịp gõ của búa. Còn bà gần như ngồi bệt hẳn xuống để giữ thăng bằng. “Bây giờ, khoảng 3 ngày thì vợ chồng tôi chỉ lắp được từ 2 - 3 chiếc giường thôi. Tuổi già, bệnh tật hoài chỉ làm được như vậy. Chứ ngày xưa một ngày tôi và chồng còn đóng được 2 chiếc giường nữa”, bà Truyền quay qua chia sẻ.
Trong phút chốc hơn mười thanh gỗ đã được bà Truyền đục đẽo hoàn chỉnh. Chiếc lưng thấm đẫm mồ hôi rơi từ trán xuống vai vậy mà bà Truyền vẫn không chịu nghỉ mệt, lại tiếp tục vác đống gỗ khác lên máy khoan hì hục. “Cơ thể tôi bị nhức mỏi liên tục. Sức đàn bà làm không nổi nhưng vì con, vì chồng tôi cũng ráng làm rồi cũng quên luôn”, bà bộc bạch.
Ngoài chuyện làm nghề, ở nhà, bà Truyền cũng cáng đáng việc nội trợ, chăm sóc con bị dị tật bẩm sinh. Mỗi sáng, bà dậy thật sớm để nấu cơm lo cho con rồi mới đi làm. Chiều về, cũng một tay bà chăm lo từng chút cho con. Công việc quần quật khiến người đàn bà nhỏ nhắn dường như cứng cáp hơn với khổ cực cuộc đời.
Bà Truyền tâm sự: “Bây giờ muốn bỏ nghề phải có vốn mới làm chuyện khác được. Tôi vầy làm ngày nào hay ngày ấy. Nếu bỏ nghề mộc này tôi cũng không biết lấy gì mà sống. Giờ bỏ cũng không bỏ được, phải ráng làm kiếm sống qua ngày”. Nói rồi bà Truyền khẳng định ngày hôm sau vẫn tiếp tục đi làm, đến khi nào đi không nổi mới ngưng làm nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.