Trưa nắng, chúng tôi tìm gặp ông Lý đang dừng xe ở góc đường có bóng cây che mát. Lấy nước rửa mặt, uống ngụm nước xong, ông cùng vợ xuống xe, dùng tay gỡ những miếng đinh nhỏ, nhọn dính chi chít trên giàn nam châm.
Ông Lý có thời gian dài mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, cũng nhiều lần xe bị cán đinh trên đường, phải dắt bộ tìm chỗ vá. Mong muốn người dân không gặp nạn như mình khi lưu thông trên đường, ông quyết tâm đi hút đinh vào năm 2019. "Chiếc xe do tôi tự chế sau khi tham khảo một số lão nông ở miền Tây làm thành công trước đó. Chi phí thực hiện hơn 5 triệu đồng, là tiền dành dụm từ việc chạy xe ôm", ông Lý kể.
Hồi mới làm xe, ông chỉ gắn một khung sắt nhỏ, treo 1 hàng thỏi nam châm cỡ lớn. Sau thời gian hoạt động, nhận thấy 1 hàng nam châm hút đinh ít hiệu quả, ông gắn thêm 2 hàng với hơn 30 thỏi. Từ khi có xe hút đinh, ông Lý nghỉ chạy xe ôm. Hằng ngày, ông chạy xe hút đinh trên các tuyến đường ngoại ô thuộc TP.Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Để có kinh phí duy trì hoạt động (đổ xăng, mua nam châm - PV), mỗi ngày ông Lý nhận 50 - 60 tờ vé số bán dạo và gom đinh, sắt nhọn hút được đem bán ve chai.
"Nhà có 4 đứa con đã lập gia đình hết rồi nên hai vợ chồng tôi không còn vướng bận điều gì, chỉ toàn tâm làm việc thiện. Hồi mới nghỉ chạy xe ôm chuyển sang chạy xe hút đinh, các con tuy không khá giả nhưng vẫn ủng hộ tôi chi phí đổ xăng, ăn uống. Bản thân tôi cũng không muốn làm phiền con cái nên mỗi ngày nhận thêm vé số để bán dạo", ông Lý chia sẻ.
Mỗi chuyến đi, xe của ông Lý hút hơn 1 kg kim loại, có hôm gần 3 kg. Cứ hình dung số đinh, ốc, vật nhọn bằng kim loại ấy sẽ tàn phá bao nhiêu bánh xe của người đi đường mới thấy việc ông làm ý nghĩa biết bao nhiêu. Nhiều người thấy ông làm việc nghĩa nên mang nước ra mời hoặc gửi vài chục ngàn đồng cho ông đổ xăng. Những lúc ấy, ông rất vui, vì biết bà con đã đồng cảm với ông.
Mỗi ngày, chi phí đổ xăng từ 50.000 - 70.000 đồng, chưa kể những cục nam châm rất dễ bị nứt bể, phải thay mỗi cục giá 60.000 đồng. Bà Mai Xuân Đường (65 tuổi, vợ ông Lý) cho biết thấy chồng đã lớn tuổi, rong ruổi một mình, bà không an tâm. Vì vậy bà quyết định đồng hành. Khi đi những tuyến đường xa, ông bà mang theo loại võng kết hợp mùng; ông 1 chiếc, bà 1 chiếc, ngủ qua đêm để sáng hôm sau tiếp tục hành trình.
"Khi chồng bàn việc làm xe hút đinh là tôi ủng hộ liền, bởi việc đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho bà con. Mình nghèo, nhưng làm được việc ý nghĩa cho đời nên tôi cũng vui. Những ngày không kẹt chặt và phơi thuốc nam cho phòng khám từ thiện (công việc lâu nay của bà Đường - PV) là tôi đi theo xe hút đinh", bà Đường chia sẻ.
Bình luận (0)