Chuyện vali bị hỏng ở sân bay Tân Sơn Nhất: ‘Ông cựu đại sứ còn bị, huống gì…’

21/02/2019 10:11 GMT+7

Sau bài viết về chuyện Sân bay Tân Sơn Nhất: Chuyện 3 vali bị hỏng của cựu đại sứ Việt Nam tại Indonesia và lời giải thích nhiều độc giả như được chạm đúng nỗi bức xúc dồn nén, và thể hiện nỗi ngao ngán mỗi khi phải ký gửi hoặc nhận hành lý ở sân bay. Rất nhiều người cho biết đã bị hư vali, bể đồ, mất đồ sau khi gửi - nhận qua đây.

Như Thanh Niên đã thông tin, ông Hoàng Anh Tuấn (cựu Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phó Tổng Thư ký ASEAN) biết do công việc nên năm vừa qua ông di chuyển trên chặng Jakarta - Hà Nội, quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất khá thường xuyên. Và trong khoảng 4 tháng vừa qua, ông đã có 3 chiếc vali bị hỏng, vỡ, một thùng đồ bị dập nát hoàn toàn.
Ngay sau đó, ông Phạm Phú Yên, Phó Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất sân bay Việt Nam, chi nhánh Tân Sơn Nhất, đơn vị phục vụ cho hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ ghi nhận trường hợp của ông Tuấn và cho kiểm tra lại.
Ông Yên cũng cho biết thêm về quy trình gửi – nhận hành lý từ khi khách vào làm thủ tục đến khi lên máy bay (và ngược lại). Đồng thời, ông Yên khẳng định, không phát hiện trường hợp nào nhân viên “tác động” tới hành lý của khách.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, hàng trăm ý kiến bình luận dưới bài viết cũng bày tỏ sự bức xúc về việc ký gửi hành lý mỗi lần đi qua Tân Sơn Nhất.

Kể lể mà làm gì?

Bạn đọc có nickname Ba Phi Sài Gòn bày tỏ: “Ông Yên kể lể quy trình, quy định để làm gì. Đó là chuyện nội bộ công ty. Nó có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không thì chỉ có trời, đất và người của công ty biết. Còn hành khách thì chỉ cần nhìn vào tình trạng hành lý khi vào và ra khỏi phi trường để đánh giá độ tin cậy của phi trường, của hãng bay mà thôi”.
Nhiều người cho biết từng bị hư vali, bể đồ khi phải gửi, nhận hành lý qua Tân Sơn Nhất Ngọc Dương
Ý kiến này nhận được gần 1.000 lượt like (thích) ủng hộ. Đồng quan điểm, bạn đọc có nickname Danh (ngụ Hà Nội) cũng cho rằng "cái gì cũng được cho là đúng quy trình, nghiêm ngặt, không có người ngoài tác động và có camera an ninh. Vậy tại sao không trích camera thử xem một công đoạn nào đó thể thể hiện tính minh bạch. Cụ thể là hành lý của ông Tuấn. Hãy trích từ nguồn và chuỗi lại từng công đoạn. Có gì mà không dám minh bạch".

Phó Tổng thư ký còn bị thì huống gì…

Độc giả tên Chu Minh Tuyển (Quảng Ninh) ngao ngán rằng, một ông Phó Tổng thư ký ASEAN bị liên tục thì thử hỏi đơn vị của hãng hàng không quốc gia còn uy tín gì để hành khách Việt Nam và quốc tế gửi mạng sống và tài sản vào họ. Hành khách thông minh hãy có lựa chọn thông minh.
Thanh Niên sẽ ghi nhận các trường hợp phản ánh của bạn đọc để chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất với mong muốn "nỗi khổ và bức xúc này không còn xảy ra nữa. 
Trong số các ý kiến gửi về, bạn đọc có nickname Chú Ba Sàm cho rằng cần làm rõ các tiêu cực có hoặc không xảy ra tại cảng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được phản ánh đầy trên các diễn đàn, ông đại sứ chắc có lẽ là người phản ánh chính xác nhất tình trạng này mà ông Yên còn trả lời lòng vòng.
“Đối với mấy ông thì cái gì cũng đúng quy trình cả, nhưng việc mất cắp đồ trong vali, kiện hàng, thất lạc hành lý có nằm trong quy trình đó đâu? Tôi là người nhà có người thân từ nước ngoài về, đã từng bị mất dầu thơm. Chúng tôi ghi nhận việc cải tiến tích cực của quý vị trong thời gian vừa qua, nhưng chưa thể khẳng định chắc nịch như lời ông Yên nói là không phát hiện trường hợp nào về tiêu cực. Nên mong quý ngài hãy khiêm tốn cầu thị, có hành động quyết liệt hơn nữa chứ đừng bao biện, lý do, lý chấu nữa!”, ông viết.
Nhiều người cũng quan ngại rằng, vali của ông cựu Đại sứ còn bị thì huống gì người bình thường Phạm Hữu
Anh Bùi Văn Long (TP.HCM) cũng cho hay, tết Kỷ Hợi vừa rồi, anh bay từ TP.HCM ra Nội Bài. Hai vali của anh đều có hàng dễ vỡ nên anh đã quấn ni lông tại sân bay cả 2 vali và đã khai báo khi ký gửi của Vietnam Airlines. Khi về tới nhà mở ra thì mới biết 1 vali bị gãy và bung tay cầm ngang (chỉ khi mở lớp ni lông ra mới biết). Mấy món đồ dễ vỡ bên trong cũng bị nứt, mẻ. Mà nhà tôi lại cách sân bay 100 km nên cũng không biết thông báo với người có trách nhiệm bằng cách nào…
Nickname Conglyvo cũng chia sẻ: “Tôi đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng vali tôi mới mua bị móp méo, trầy tùm lum. Lúc từ Đà Nẵng về Tân Sơn Nhất tôi có mua quà mấy chai rượu nổi tiếng Đà Nẵng được gói kỹ lưỡng và có để chữ hàng dễ bể nhưng đến khi nhận được hành lý thì rượu đã bể chảy nước, đành cắn răng chịu đựng. Các Bộ, Ban ngành cần lên tiếng vào cuộc, để kiểu này làm mất uy tín quá”.
Chị Thúy Liễu cũng kể: “Nói như ông Yên thì ai nói cũng được. Nói thật Việt kiều về nước chơi sợ nhất là  việc mất đồ trong vali. Nếu minh bạch, công khai như lắp camera quan sát cho hành khách vận chuyển hành lý từ máy bay đến băng chuyền thì thử xem tình hình có cải tiến không. Người nhà tôi mất đồ vali vài lần, mà toàn ở những vali có đồ đắt tiền như đồng hồ Thụy Sĩ, thiết bị điện tử cầm tay như máy game, máy nghe nhạc, nước hoa xịn, giày xịn”.
Bạn đọc tên Chinh (Cần Thơ) thì ý kiến rằng đã có rất nhiều người phản ánh và có cả camera chứng minh về việc hành lý của khách bị quăng, quật, ném... tại sân bay, việc hành lý bị cạy, mở, mất. Nhưng cứ ngồi văn phòng rồi nghe báo cáo như ông Phó Giám đốc thì chỉ khi bị hành khách kiện ra tòa may ra ông này và bộ sậu mới kiểm tra.
“Còn việc camera của sân bay giám sát gì gì đó, thử hỏi: nhân viên của ông ở trên trời rơi xuống hay gì mà làm cái việc phạm pháp trước ống kính. Họ biết camera đặt ở đâu, góc quay thế nào, hoạt động ra để tránh lộ ông Phó giám đốc ạ”, ông ngao ngán.

‘Bị hoài mà không phát hiện, sao… lạ quá!’

Một bạn đọc tên Diệu (TP.HCM) cũng chia sẻ câu chuyện của cậu mình từ Mỹ về, hành lý ký gởi bọc rất cẩn thận nhưng khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất nhận hành lý thì vali bị rách, như bị rọc.
“Cậu tôi có nghe những người về nước trước nói nên cậu không để thứ gì có giá trị mà chỉ có nước hoa. Vậy mà vali cũng bị rách. Tôi hỏi tại sao không báo cáo, cậu nói mất thời gian thôi. Không phải chỉ mỗi trường hợp của cậu tôi đâu. Thử hỏi ông Yên ai là người thực thi quy trình này và ai là người giám sát. Có phải là ông không?”, chị Diệu đặt câu hỏi.
Đây không phải là lần đầu tiên vụ vali bị gãy bánh, hư hỏng được lên tiếng Phạm Hữu
Anh Minh (TP.HCM) cũng kể câu chuyện của người nhà mình: “Cháu tôi cùng với bạn bay từ Nhật về Tân Sơn Nhất lúc rạng sáng, vì sáng sớm, mệt mỏi nên lấy được hành lý mau mau về nhà. Về nhà phát hiện ra vali bị cạy, kiểm hành lý thì phát hiện mất đôi giày mới mua (khoảng 300 USD) và một vài thứ khác, vali thì gần như bị hỏng. Bạn của cháu cũng bị cạy vali và mất đồ. Vì ngay sáng hôm đó các cháu phải đi làm nên không có thời gian để khiếu nại với sân bay. Quy trình gì mà không kiểm soát thì lòng tham và sự gian dối sẽ gây hại khôn lường. Bị hoài mà không phát hiện “tiêu cực”, nghe lạ quá!”
Ông Lê Văn Y (Canada) cũng cho hay, ông đáp chuyến bay NH834 của Nhật đi Tokyo 7:40 sáng ngày 17.2, vali lớn có khóa kềm giữ chặt hai móc nối với nhau, khi về đến chặng cuối cùng thì ổ khoá đã bị cắt bỏ, đồ đạc bên trong có dấu hiệu bị xáo trộn, nhưng đến giờ vẫn chưa nghĩ ra có mất mát gì hay không!
Đây là lần đầu ông bị tai họa này, những lần quá cảnh đất Mỹ trước đây, nếu buộc phải hủy khóa để mở vali kiểm tra, nhân viên phi trường luôn luôn có đặt trong vali một giấy thông báo sự cố cùng lời cáo lỗi. Nhưng lần này thì ông không thấy tờ giấy gì.
Bạn đọc Châu Minh cũng cho biết anh đi từ Thụy Điển về sân bay Tân Sơn Nhất, khi nhận hành lý thì thấy vali bị móp và gãy cả chân. Đáng buồn hơn nữa là anh quay sang khách nước ngoài cũng thấy bị y chang nên anh cũng ngậm ngùi vác vali về vì không thể kéo được nữa…

Đừng đổ thừa Tân Sơn Nhất

Một số ít ý kiến lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược và cho rằng đừng đổ lỗi là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Độc giả tên Vũ Thường (TP.HCM) bày tỏ: “Khách cũng có nhiều kiểu khách. Có cả kiểu ăn vạ. Các ông có biết 1 kiện hành lý gửi vào sẽ đi qua bao nhiêu công đoạn mới đến được, có cả những lý do khách quan là băng chuyền nhà ga chứ ko hẳn là con người phục vụ. Ông hỏng hành lý trước tiên thông báo với hãng hàng không. Nếu người ta không giải quyết hãy kêu. Quy trình như ông Phó Giám đốc nói đó là người ta có sự kiểm soát của phía công ty phục vụ”.
Bạn đọc tên Kim Trần (Tiền Giang) cũng cho rằng hành lý có thể bị rách từ cảng đi, cảng trung chuyển, trên máy bay, tại cảng đến chứ không chỉ tại Tân Sơn Nhất mà thôi.
Và các ý kiến hiếm hoi này được đa số độc giả cho rằng đây là những “người nhà” của công ty phục vụ mặt đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.