Chuyến xuất ngoại đáng chờ đợi của Công Phượng

25/12/2022 16:39 GMT+7

Khoác áo Yokohama FC, Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi cho 4 đội bóng nước ngoài, nhưng thử thách trước mắt không dễ vượt qua.

Sáng 25.12, đội Yokohama FC công bố chiêu mộ thành công Nguyễn Công Phượng. Tiền đạo sinh năm 1995 đạt cột mốc nho nhỏ, khi trở thành cầu thủ đầu tiên ở Việt Nam chơi cho 4 đội bóng tại nước ngoài, bao gồm Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint-Truidense (Bỉ) và Yokohama FC hiện tại.

Nếu hỏi Công Phượng tự hào với "kỷ lục" này không, thật miễn cưỡng nếu trả lời là có. 3 chuyến xuất ngoại trước đây, tiền đạo số 10 không để lại dấu ấn. Công Phượng chơi 5 trận cho Mito Hollyhock (4 lần vào sân từ ghế dự bị), 8 trận cho Incheon United và 1 trận cho Sint-Truidense.

Công Phượng xuất ngoại ở độ chín sự nghiệp

KHẢ HÒA

Quãng thời gian ít ỏi khiến Công Phượng không có bàn thắng hay kiến tạo nào. Thậm chí, tiền đạo xứ Nghệ mới có 2 trận đá đủ 90 phút cho một đội bóng nước ngoài, đều tại Incheon United ở mùa giải 2019.

Bên cạnh yếu tố năng lực và thích nghi, phần lớn nguyên nhân khiến Công Phượng không bùng nổ được ở nước ngoài nằm ở chiến lược. Chuyến đi đầu tiên năm 2016, khi Công Phượng mới 21 tuổi và có 1 năm chơi V-League, thật khó đòi hỏi số 10 làm nên chuyện. Lần sang Incheon United năm 2019, Công Phượng đã chín chắn hơn, nhưng lại chưa có thời gian thích nghi đã lập tức chuyển đội. Còn sang Bỉ thi đấu chỉ đơn giản là thử thách quá sức.

Kể chuyện quá khứ để thấy, chuyến đi lần này của Công Phượng dẫu ít được kỳ vọng hơn, nhưng có lẽ tiềm ẩn khả năng thành công lớn nhất.

Trước tiên, Công Phượng của tuổi 27 không còn trẻ. Anh đã tích lũy 217 trận chơi cho CLB và đội tuyển quốc gia trong sự nghiệp. Công Phượng đang ở độ chín sự nghiệp và thực tế đã chơi tốt tại V-League.

Công Phượng từng đối đầu nhiều đội mạnh ở Asian Cup, vòng loại World Cup

AFP

Tiền đạo sinh năm 1995 ghi 6 bàn sau 12 trận cho CLB TP.HCM khi về nước năm 2020, rồi lại ghi 6 bàn cũng sau 12 trận cho HAGL ở mùa 2021 khi HLV Kiatisak mới về nắm quyền. Lối chơi của Công Phượng được cải thiện, không còn rê dắt thừa thãi, mà nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Những chuyến đi không chỉ để lại bài học, mà còn giúp Công Phượng làm giàu thêm vốn ngoại ngữ và lối sống. Không phải cầu thủ Việt Nam nào cũng xuất ngoại ở 3 quốc gia. Dẫu chưa để lại dấu ấn, việc tập luyện, thi đấu và thay đổi môi trường thường xuyên hứa hẹn rèn cho Công Phượng năng lực thích nghi.

Tâm thế của Công Phượng ở chuyến đi tới Yokohama FC cũng khác. Những lần xuất ngoại trước, tiền đạo 25 tuổi đi theo dạng cho mượn từ HAGL, sang nước ngoài đá theo dạng học hỏi kéo dài 1 năm. Còn lần này, Công Phượng đã chia tay HAGL, rời xa vòng tay của bầu Đức để sang Nhật Bản.

Công Phượng đã gặp những đội đáng gờm như Jeonbuk Hyundai Motors, Yokohama F.Marinos ở AFC Champions League

ĐỘC LẬP

Trong bối cảnh phải "tự sinh tự diệt", không còn sự bao bọc trong vùng an toàn của đội bóng gắn liền từ thời thơ ấu, Công Phượng có động lực để bật lên. Bản hợp đồng kéo dài 3 năm cũng mang đến sự đảm bảo. Cuộc phiêu lưu của tiền đạo này ở Yokohama FC là chuyến đi có tuần tự từng bước rõ ràng, thay vì đi theo dạng "mì ăn liền", đá mùa đầu không được thì về đội chủ quản.

Quan trọng là, Công Phượng phải tiếp tục học hỏi, hoàn thiện lối chơi và nỗ lực đến cùng để khẳng định tên tuổi. Sự tự tôn và quyết tâm là kim chỉ nam để Công Phượng trụ lại được ở J-League, sân chơi vốn chưa cầu thủ Việt Nam nào làm nên chuyện.

Sau cùng, mỗi cầu thủ có một thước đo thành công. Tin rằng sau những thăng trầm, Công Phượng sẽ trân quý và nắm bắt từng cơ hội có được để có nấc thang mới trong sự nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.