Clip cô gái bị từ chối nhận gạo: Bức xúc YouTuber dùng hình ảnh người khác câu view

Lê Nam
Lê Nam
21/04/2020 13:51 GMT+7

YouTuber quay cận cảnh gương mặt người bị từ chối nhận gạo tại "ATM gạo" ở TP.HCM kèm bình luận “đã bị nhân viên phát hiện và mời ra ngoài” khiến dân mạng phẫn nộ.

Bức xúc dùng hình ảnh cá nhân

Mấy ngày nay, clip ghi lại hình ảnh cô gái mặc áo đen (tên thật là H., 15 tuổi) đến nhận gạo ở "ATM gạo" trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP. HCM) bị từ chối nhanh chóng thu hút sự quan tâm và ý kiến trái chiều từ cư dân mạng.
Đáng nói, một YouTuber quay cận cảnh gương mặt H. và cho rằng người này “đã bị nhân viên phát hiện và mời ra ngoài”. Tài khoản này còn quay nhiều người khác đến nhận gạo kèm bình luận: “Thật buồn ghê ta...”
Ngay sau khi được lan truyền trên mạng, nhiều người tỏ ra không đồng tình trước cách làm của các YouTuber và cho rằng đây là hành vi phản cảm.
Tài khoản Hồng Loan bình luận: “Cực kỳ phản cảm, hãy dừng các hành động quay clip tại các cây "ATM gạo". Hôm trước là chị đi xe tay ga với 2 em bé, tiếp đến là anh thanh niên cao to và bây giờ là một em học sinh, sinh viên. Thật sự không hiểu nổi, tại sao mọi người luôn miệng nói: “Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài”. Vậy mà trong thời buổi đất nước đang gặp khó khăn, lại soi xét nhau từng chút một”.

Anh Doãn tặng 10kg gạo cho H. (ngồi giữa) và bạn ở cùng phòng

ẢNH: NVCC

Anh Nguyễn Tiến Doãn (ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết hôm qua, 20.4, anh mang 10kg gạo đến phòng trọ của cô bé H. và nghe được câu chuyện của cô bé chia sẻ nên có viết sự thật bé H. gặp khó khăn nên mới đi nhận gạo lên mạng xã hội.
Nói về việc một số người đứng quanh các "ATM gạo" để quay clip, anh Doãn không đồng tình: “Tôi thường không dựa vào ngoại hình để phân biệt ai nghèo hay sang để tặng cơm chay từ thiện. Mình làm từ thiện đừng phân biệt gì ai. Đừng đánh giá ai qua vẻ về ngoài. Câu nói của bạn nhân viên “em áo đen, mời em ra khỏi vị trí nhận gạo dùm chị” vẫn làm tôi ám ảnh”.

Cần đảm bảo quyền về hình ảnh

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực từ 15.4.2020.

Quay clip phán xét người đến ATM gạo: Cần đảm bảo quyền hình ảnh

Theo Nghị định, mọi hành động sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức và 5 - 10 triệu đồng với cá nhân.

Thời gian gần đây, nhiều Youtuber đứng quanh các "ATM gạo" để làm các clip bình luận về ngoại hình người đến nhận gạo

Ảnh chụp màn hình

PV đặt câu hỏi: “Hành vi quay clip bêu rếu người mặc áo đen bị từ chối nhận gạo để đưa lên mạng, dẫn đến tổn thương tinh thần cho nạn nhân như trên có thể bị xử lý theo Nghị định 15 được không?”. Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) khẳng định: “Quan điểm của tôi là được. Thứ nhất một số người không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ nhưng có ý đồ muốn lợi dụng đi chăng nữa, thì đó hành vi mình lên án về mặt đạo đức thôi. Có nghĩa là người ta có những cư xử không phù hợp về mặt đạo lý, trong trường hợp này phải nhường có khó khăn cho người khác. Chúng ta đấu tranh, phản ánh tình trạng đó là phù hợp. Nhưng trong quá trình phản ánh này, rõ ràng phải bảo đảm quyền của người bị phản ánh, đó là quyền về hình ảnh. Bởi vì người ta đang được pháp luật bảo hộ quyền về hình ảnh".
Câu chuyện các YouTuber bất chấp hoàn cảnh để ghi hình trong các đám tang nghệ sĩ, hay các sự kiện nóng đã từng được Thanh Niên đăng tải và phản ánh. Nhiều gia chủ trong lúc tang giả bối rối đã không biết làm sao để các Youtuber không làm phiền, hay gây náo động trong đám tang của gia đình. 
"Chỉ bằng những hình ảnh trên thì rõ ràng chúng ta không xác định được người kia thật sự có phải là người có hành vi đó hay không. Cũng có thể người ta nhận hộ cho một ai đó chẳng hạn… Sự việc chưa xác minh mà tự ý đưa hình ảnh, thông tin cá nhân người khác lên mạng rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và cuộc sống của họ”, anh Phát nói.
Cụ thể về hình thức xử lý, luật sư Phát cho biết: “Nếu như sử dụng hình ảnh cá nhân người khác khi chưa được phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn việc xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm sẽ bị xử lý theo 2 mức độ: Mức độ bình thường, người bị xúc phạm đó có thể khởi kiện vụ án dân sự để bồi thường về danh dự, nhân phẩm. Nếu như mức độ nặng hơn thì rõ ràng khởi tố vụ án hình sự với tội làm nhục người khác”.

Nhiều người quay clip không biết chính xác hoàn cảnh người đến nhận gạo đã vội phán xét

Ảnh chụp màn hình

Nói về hành động của một số YouTuber thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện tại các "ATM gạo" để quay clip, bình luận ngoại hình người đến nhận gạo rồi đăng trên mạng, luật sư Phát bày tỏ: "Tôi thấy hành vi này giống như đang "câu view" nhiều hơn là đấu tranh. Còn nếu đấu tranh thật sự thì chúng ta hoàn toàn có thể làm mờ gương mặt của những người đến xin gạo đi được. Việc dẫn chứng ra một hình ảnh cụ thể, sống động là bằng clip nhưng mình có thể che mặt của người ta lại, như vậy sẽ tránh được những hậu quả về sau".
 
Ủy ban Dân tộc đề nghỉ xử lý kênh A Hy TV vì bôi nhọ hình ảnh
 Mới đây, Ủy ban Dân tộc vừa có công văn gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube A Hy TV. Theo đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị Cục Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử căn cứ vào nội dung các điều khoản cụ thể của luật An ninh mạng, Nghị định 05 về công tác dân tộc, Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông để cho kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của kênh YouTube kể trên theo quy định.
Trước đó, Ủy ban Dân tộc nhận được phản ánh về một số tiểu phẩm trên mạng xã hội bôi nhọ hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. “Nội dung một số tiểu phẩm có nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và nhân quyền của người dân tộc thiểu số và gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc. Điển hình là trường hợp kênh YouTube A Hy TV, với hơn 721.000 lượt theo dõi”, công văn nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.