Clubhouse bị chặn ở Trung Quốc, ứng dụng nào có khả năng thay thế?

11/02/2021 13:38 GMT+7

Sau khi nổi lên một thời gian ngắn, Clubhouse ngay lập tức bị chặn hôm 8.2 như nhiều người dự đoán. Cư dân mạng đang băn khoăn liệu có ứng dụng tiếng Trung nào đủ khả năng lấp đầy khoảng trống mà Clubhouse để lại hay không.

Theo SCMP, hãng Lizhi hiện phát triển ứng dụng audio chat Tiya ngay trên thị trường Mỹ để cạnh tranh với Clubhouse. Dù Tiya không có sẵn ở Trung Quốc nhưng nếu muốn thì nhà sản xuất hoàn toàn có thể điều chỉnh ứng dụng sao cho phù hợp với thị trường nội địa.
Một ứng cử viên tiềm năng khác là Dizhua cũng sở hữu nhiều đặc điểm tương tự Clubhouse, từng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ông chủ Justin Sun của BitTorrent.
Gần đây mạng xã hội Weibo cũng bổ sung tính năng trò chuyện video và audio trong bản cập nhật mới nhất. Mỗi cuộc trò chuyện như vậy có thể chứa 5 thành viên.
Olivia Plotnick - người sáng lập agency Wai Social cho biết các doanh nhân công nghệ Trung Quốc rất nhanh nắm bắt cơ hội tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng họ sẽ tập trung vào nội dung giải trí hơn là chính trị. Olivia Plotnick nhận định: "Trung Quốc đã có nhiều ứng dụng chia sẻ audio, nhưng liệu chúng có thể trở thành bản sao của Clubhouse không? Ý kiến của tôi là không. [Trên Clubhouse] không có lừa đảo, không có quà tặng hay tiền boa cho người sáng tạo nội dung, không cung cấp nội dung giải trí như những ứng dụng thành công ở Trung Quốc". 
Nhiều người không lạc quan trước phiên bản nội địa của Clubhouse. Trong một bài báo trên The Beijing News, tác giả Liu Yuanju nhận thấy mô hình phòng chat audio như của Clubhouse đã được thử nghiệm ở Trung Quốc nhiều lần, nhưng không trở thành hiện tượng văn hóa như Clubhouse làm được trước khi bị chặn.
Mark Tanner - giám đốc điều hành của công ty tư vấn China Skinny cho rằng Clubhouse hấp dẫn nhờ những cuộc thảo luận về các vấn đề cấm kỵ: “Clubhouse là một nơi độc đáo vì nó cung cấp không gian an toàn để người dùng Trung Quốc kết nối với người dùng toàn cầu, nói về những điều thường bị kiểm duyệt một cách thẳng thắn". Mark Tanner cũng nhận thấy chính phủ Trung Quốc có thể đang cảnh giác với các nền tảng như Clubhouse, khiến những ứng dụng audio tương tự có thể bị kiểm duyệt gắt gao hơn.
Việc chặn Clubhouse diễn ra trong bối cảnh thị trường nội dung audio ở Trung Quốc bùng nổ. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 2 năm ngoái, công ty nghiên cứu LeadLeo dự đoán thị trường sẽ tăng từ 16,3 tỉ nhân dân tệ (2,5 tỉ USD) vào năm 2019 lên gần 70 tỉ nhân dân tệ năm 2024.
Mỗi lần một dịch vụ internet nước ngoài bị cấm cửa ở Trung Quốc, y như rằng phiên bản sao chép sẽ ra đời để thay thế dịch vụ đó tại thị trường nội địa. Chẳng hạn khi Google rút khỏi Trung Quốc hồi 2020 thì Baidu trở thành công cụ tìm kiếm của cư dân mạng Trung Quốc. Mạng xã hội Weibo cũng là sản phẩm thay thế Twitter với chức năng tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.