|
|
200 công nhân mắc Covid-19 của CMS được giải cứu thành công từ Guinea Xích đạo về Nội Bài | |
CMS |
Cuộc giải cứu quả cảm, đầy nhân văn
Tháng 1.2022 có lẽ là những ngày “tang tóc” nhất của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Sau sự kiện “bán chui” của một doanh nhân và vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh, hiệu ứng tuyết lở khiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn la liệt nhiều phiên liên tiếp. Riêng dòng bất động sản như CEO, CII, LDG và “hệ sinh thái FLC” như AMD, HAI, ROS, KLF… nhà đầu tư còn lỗ rất nặng, thậm chí đối mặt với nguy cơ mất vốn khi các cổ phiếu này đang bị mất thanh khoản.
Không nằm ngoài xu hướng tiêu cực đó, CMS cũng giảm từ mức đỉnh quanh 40.000 đồng về gần 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu so với 3 tháng trước, CMS vẫn tăng tới gần 6 lần. Từ một cổ phiếu nhỏ bị lãng quên trên sàn, các cổ đông của CMS trong năm 2021 đã có được một cái tết ấm no khi đạt mức lợi nhuận 3 con số.
Nhìn vào đồ thị kỹ thuật, CMS đang hình thành mô hình tích lũy sóng 2 sau một nhịp tăng mạnh. Đây cũng là quy luật vận động bình thường của các cổ phiếu đang có câu chuyện riêng, đang có thay đổi mạnh mẽ từ nội tại sức khỏe, hoàn toàn khác với cổ phiếu mang nặng tính đầu cơ, bị thổi giá.
Hình ảnh lá cờ Việt Nam được CMS ghi dấu tại Dự án hầm giao thông Đại lộ Đông Tây - Algeria thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây - Algeria chạy dọc theo biên giới giữa Algeria với Morocco và Tunisia, dự án được khởi động từ tháng 3.2007 với tổng vốn đầu tư 11,2 tỉ USD |
CMS |
Sự khác biệt của CMS đến từ câu chuyện “thay máu” cổ đông và tái cơ cấu của công ty này kể từ khi ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, tham gia vào HĐQT. Sau khi chính thức xuất hiện tại CMS hồi tháng 11.2021, từ 10 - 13.12.2021, ông Nguyễn Đức Hưởng đã chi gần 113 tỉ đồng để mua thêm 3.708.800 cổ phiếu công ty này, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch trên là 4.282.800 cổ phiếu, ứng với tỷ lệ nắm giữ 24,9%.
Trong kế hoạch phát hành riêng lẻ để tăng mạnh vốn điều lệ CMS, ông Hưởng cũng đăng ký mua thêm gần 17,2 triệu cổ phiếu và dự kiến tỷ lệ sở hữu qua đợt phát hành sẽ nâng lên 41,63%.
Với vị thế, tiềm lực và uy tín của mình, ông Hưởng không thiếu cơ hội để tham gia vào các tập đoàn, ngân hàng, doanh nghiệp lớn nhưng ông lại bỏ dễ chọn khó, bỏ lớn chọn nhỏ. Theo vị doanh nhân này thì đơn giản đôi khi chỉ là chữ “duyên” và chữ "tình", còn sâu xa hơn bởi tính cách của ông - thích chọn việc ít ai làm.
Trước khi ông Hưởng tham gia tái cơ cấu, công ty này từng ghi dấu ấn trên thị trường với rất nhiều công trình nổi tiếng trong và ngoài nước như: Dự án nhà máy thủy điện Xayabury - Lào, Dự án thủy điện Sendje ở Guinea Xích đạo, Dự án mở rộng hầm Hải Vân 2, Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả - Phú Yên, Dự án Hầm thủy điện Ulu Jelai - Malaysia, Dự án hầm giao thông Đại lộ Đông Tây - Algeria… Chủ tịch CMS, ông Phạm Minh Phúc từng là một trong những tổng giám đốc trẻ nhất (từ năm 29 tuổi) của một tập đoàn lớn của Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài, sức trẻ, CMS đã niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2010 - thời điểm mà thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu.
Dự án CMS đã ký hợp đồng thi công một số hạng mục dự án thủy điện Xayaburi - Lào với đối tác Ch. KarnChang (Thái Lan) |
CMS |
Nhưng việc lựa chọn sai hướng đi khiến công ty gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, gần 200 công nhân của công ty CMS, với nhiều người bị nhiễm Covid-19 mắc kẹt tại dự án Thủy điện Sendje ở Guinea Xích đạo. Cuộc giải cứu cân não và lịch sử kéo dài, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành diễn ra trong năm 2020 trở thành tiêu điểm trên nhiều mặt báo trong và ngoài nước…
Chi phí phát sinh bất khả kháng từ biến cố này lên tới hàng chục triệu USD và công ty phải gánh chịu… Nó cũng lý giải cho khoản lỗ 14 tỉ đồng trong năm 2020. Bên cạnh đó, CMS với đặc thù của một nhà thầu cũng bị rơi vào vòng xoáy bị nợ đọng, bị chiếm dụng vốn kéo dài (bên A), thậm chí mất vốn (bên B) tại các dự án thi công - một vấn đề khá phổ biến mà nhiều nhà thầu xây dựng ở Việt Nam gặp phải nhiều năm qua và càng khó gỡ hơn trong bối cảnh đại dịch.
CMS dưới góc nhìn của mọi người là thua lỗ, nợ đọng nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng lại nhìn khác, nghĩ khác. Đặc biệt, cuộc giải cứu ngoạn mục trên, theo ông Hưởng, là câu chuyện tình người của Chính phủ Việt Nam với quan điểm nhất quán “không bỏ ai lại phía sau”, cũng như thể hiện cái tâm của lãnh đạo CMS với cán bộ, nhân viên công tác và gặp nạn ở nước ngoài lúc bấy giờ.
Các công nhân mắc Covid-19 được giải cứu từ Guinea Xích đạo vui mừng khi về đến sân bay Nội Bài |
CMS |
Ánh sáng phía cuối đường hầm
Tất nhiên, nhìn vào lịch sử CMS, với những gì họ đã làm, ông Hưởng cho rằng đây là một công ty có thế mạnh về kinh nghiệm, đội ngũ thiện chiến, thiết bị hiện đại… khi đã thực hiện thành công nhiều công trình lớn (làm thuê) trong và ngoài nước. Nhưng như vậy chính là điểm yếu trong chiến lược kinh doanh - cả đời đi làm thuê, phụ thuộc người khác.
“Trong kinh doanh và cuộc sống, nếu chỉ đi bằng một chân khó mà trụ vững. Muốn phát triển, phải đi bằng hai chân, tạo thế kiềng ba chân gắn với chuyển đổi số mới có thế trụ vững chắc. Phải luôn luôn nghĩ khác, nghĩ rất lớn trong khả năng của mình và trí tuệ tập thể, thực hiện chiến lược “đại dương xanh” tạo đà bay lên phục vụ cho chính mình và xã hội”, ông Hưởng nêu quan điểm.
Nói về sự tham gia của mình vào hội đồng quản trị cũng như quyết định gia tăng tỷ lệ sở hữu, ông Hưởng tin rằng CMS sẽ nhanh chóng trở lại, phát triển mạnh và bền vững nếu “đi hai chân”, và tạo được thế “kiềng 3 chân”. Đồng thời, phải có vị thế làm chủ, có tầm, tự chịu trách nhiệm với chính mình và xã hội, làm cho chính mình thay vì đi thi công thuê vất vả.
Hướng đi mới với sự tham gia của ông Hưởng được ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT CMS, ghi nhận như một làn gió mới, ánh sáng phía cuối đường hầm. CMS tái cơ cấu, bắt đầu tham gia một số dự án mới trong lĩnh vực bất động sản và có sản phẩm ngay thời gian gần đây.
Cùng đó, công ty đang hợp tác, liên doanh khảo sát và xúc tiến lập một số dự án quy mô lớn; cũng như tái cơ cấu dự án khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết… Ông Phúc cho biết, những dự án và kế hoạch mới sẽ được báo cáo cổ đông cụ thể tại đại hội đồng cổ đông chính thức vào khoảng tháng 3.2022.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Thành viên HĐQT của CMS: “Gieo hạt, nảy mầm rồi sẽ tới ngày cùng nhau hái quả ngọt" |
CMS |
Hành trình mới của con tàu CMS ra khơi còn rất nhiều sóng gió, nhưng bước đầu sự mát tay và bén duyên của ông Hưởng đã mang lại trái ngọt đầu tiên. Theo số liệu vừa quyết toán năm 2021, CMH Group đã khắc phục mức lỗ khá lớn lũy kế 9 tháng năm 2021 (-8,9 tỉ đồng), trở lại đạt lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 khoảng 12 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 10 tỉ đồng; doanh thu bán hàng năm qua đạt khoảng 180 tỉ đồng.
Theo đại diện CMH Group, doanh thu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020 (năm 2020 đạt 278,43 tỉ đồng) do khó khăn trong hoạt động, đặc biệt ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng khó khăn đó đã được dự liệu và công ty đã tái cơ cấu và chuyển hướng chiến lược hoạt động từ chuyên thi công các công trình sang đầu tư và phát triển các dự án bất động sản mới. Những dự án này theo kế hoạch sẽ bắt đầu ra mắt thị trường và có sản phẩm chào bán, có lợi nhuận cao từ 6 tháng cuối năm 2022.
Kết quả ban đầu chưa nói lên được quá nhiều điều, nhưng với tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thương trường và với triết lý kinh doanh bằng chữ “TÍN” và chữ “TÂM”, ban lãnh đạo, cán bộ, người lao động và các cổ đông đã sẵn sàng căng buồm đưa con thuyền CMS ra khơi.
Bình luận (0)