Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cho biết quan điểm về tình hình quy hoạch đô thị hiện nay. Theo đại biểu Thúy, quy hoạch nào cũng có vấn đề về môi trường, nước thải, rác thải, ùn tắc giao thông, nhiều vi phạm về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy... Nhiều đô thị xây dựng mở đường rất lớn nhưng phố xá nhếch nhác, nhiều nhà siêu mỏng.
“Có tình trạng lợi dụng việc biết trước quy hoạch để trục lợi không? Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào để khắc phục?”, đại biểu Thúy nêu câu hỏi.
|
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ, thậm chí ngay trong cùng một quy hoạch và nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
Tư lệnh ngành Xây dựng lý giải nguyên nhân do các cơ quan quản lý nhà nước không làm đúng chức trách. “Sau khi có quy hoạch, phải có chương trình, kế hoạch, có dự án trọng tâm trọng điểm, công bố thông tin, cắm mốc nhưng việc này tiến hành chậm", ông Hà nhận định.
Một lý do khác, theo ông Hà, là việc giám sát cộng đồng hạn chế, thanh kiểm tra không thường xuyên, liên tục, xử lý một số vụ việc không kịp thời, tạo tiền lệ cho vi phạm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh có lúc khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch đã bị buông lỏng, dẫn đến ùn tắc, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả và xảy ra các vi phạm về cấp phép xây dựng….
Về câu hỏi đại biểu Thúy đặt ra có trục lợi trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay: “Về cơ bản thì không có, nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi lợi ích nhóm trong xây dựng, tổ chức quy hoạch”.
Rất khó chấm dứt xây dựng sai phép
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất nông nghiệp kể cả đất quốc phòng - an ninh. “Bộ trưởng có cam kết không để tình trạng này xảy ra trong thời gian tới hay không? Và không để tình trạng xây dựng trái phép, sai phép?”, đại biểu Thuỷ chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng là một hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Sau khi Chính phủ tăng cường quản lý hiện nay, tỷ lệ sai phép, trái phép đã giảm nhiều, trung bình từ 5 - 10% mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Hà, tình trạng trên vẫn còn nhiều.
tin liên quan
Luật quy hoạch sẽ 'triệt tiêu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm'Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều nay (17.3), Bộ Xây dựng tiếp tục bày tỏ quan điểm không đồng tình với những quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng trong dự thảo luật Quy hoạch.
Nhận trách nhiệm về vấn đề trên, nhưng Bộ trưởng Hà cho rằng để cam kết chấm dứt xây dựng sai phép rất khó. "Chúng tôi sẽ tập trung xử lý thanh tra cụ thể một số dự án có quy mô sử dụng đất lớn”, ông Hà cam kết.
Bình luận (0)