Có bước đi thì mới mơ ngày đến đích

Quý Hiên
Quý Hiên
27/01/2022 17:20 GMT+7

Tuần lễ VinFuture đã khép lại nhưng dư âm của đêm trao giải vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người theo dõi sự kiện trực tiếp từ Nhà hát lớn Hà Nội.

Là một nhà báo được phân công theo dõi và khai thác sâu chuỗi sự kiện tuần lễ VinFuture, tôi bắt đầu công việc bằng một thái độ khách quan nhất có thể, tự xác lập một khoảng cách đủ để có thể quan sát rộng hơn. Nhưng rồi chính tôi đã bị cuốn vào các hoạt động với một sự hào hứng, và nhờ thế mà cảm nhận được niềm hạnh phúc do công việc mang lại.

Điều đầu tiên khiến tôi thấy mình gặp may là bởi đã chọn để phỏng vấn sâu GS Đặng Văn Chí trong buổi đầu tiên gặp gỡ truyền thông của các thành viên các hội đồng giải thưởng. Ông là người gốc Việt nhưng không nói thạo tiếng Việt, thông tin tiếng Việt trên mạng về ông cũng rất ít. Nhưng khi được trò chuyện với ông thì tôi thấy đúng là “trời thương mình”.

GS Đặng Văn Chí trong một buổi làm việc về chủ đề y học chính xác với các nhà khoa học Việt Nam (tại Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn BigData)

Trọng Tùng

Ông là một nhà khoa học lớn, được đồng nghiệp trong giới ngưỡng mộ, nể phục, được chính phủ nơi mà ông đang sống và làm việc trọng vọng, nhưng phong thái của ông giản dị, cách biểu đạt chân thành. Và quan trọng là ông thể hiện tình yêu nguồn cội của mình thật tâm, khiến bất kỳ ai sau khi đã tiếp xúc với ông đều bị thuyết phục.

Các sự kiện được tổ chức sau đó, như giao lưu với hội đồng giải thưởng, tọa đàm khoa học… đều cho thấy tầm nhìn của Ban tổ chức chương trình: thấu đáo về nội dung, hiện đại về xu hướng, vừa đủ về thời lượng (với các hoạt động mang hơi hướng đại chúng).

Về đêm lễ trao giải thì nhiều nhà khoa học đã viết trên trang cá nhân rồi. Sự đặc sắc của buổi lễ được tạo nên bởi không chỉ những tiết mục trình diễn đỉnh cao mà trước hết là bởi những chia sẻ vừa đủ, khiêm nhường nhưng có sức lan toả mãnh liệt từ những chủ nhân của các giải thưởng.

Tôi còn nhớ, khi ngồi dưới nghe các cuộc tọa đàm về các chủ đề tương lai của trí tuệ nhân tạo, năng lượng, sức khoẻ,… mình đã hào hứng như thế nào khi chia sẻ đường dẫn cho một số nhà khoa học trẻ của lĩnh vực liên quan. Là người có mối quan hệ thường xuyên với giới khoa học trong nước, tôi biết họ trân quý giá trị của những cuộc tọa đàm đó.

Giới trẻ hâm mộ Kpop thế nào thì các nhà khoa học hâm mộ những nhà khoa học lừng danh trong lĩnh vực chuyên môn của họ như thế. Tôi đã từng chứng kiến những hội trường đông nghịt người ngồi dưới chăm chú nghe GS Ngô Bảo Châu giảng bài, dù rất nhiều người trong số họ thú nhận nghe mà… chẳng hiểu gì. Đằng này đây (các buổi tọa đàm trong khuôn khổ tuần lễ giải thưởng VinFuture) còn là những nội dung cực kỳ gần gũi thiết thực với đời sống nhân loại, được chia sẻ bởi những nhà khoa học xuất sắc bậc nhất thế giới trong lĩnh vực liên quan.

Theo nhiều nhà khoa học lão làng, để tạo một môi môi trường học thuật phát triển, việc thắp lên những ngọn lửa hy vọng và lan tỏa nó, là một trong những yếu tố khởi đầu quan trọng. Thông thường các nhà khoa học xuất chúng sẽ được cộng đồng trao cho sứ mệnh này. Nền khoa học Việt Nam, từ khi có GS Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields, đã có ngày càng nhiều hơn những đốm lửa hy vọng được nhóm lên, thông qua các hoạt động khoa học quy tụ được nhiều “ngôi sao” thế giới.

Và giờ đây, giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên lại thắp lên đốm lửa hy vọng mới. Giải thưởng quốc tế VinFuture có thể vượt ra khỏi sự hiện hữu giới hạn của các nhà sáng lập cá nhân, để thực sự trở thành một giải Nobel Việt Nam, có tính đại diện tiêu biểu cho đất nước - con người Việt Nam.

Hành trình về đích vốn không dễ dàng. Nhưng có bước chân đi thì mới mơ được ngày đến đích…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.