Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa đủ răn đe

03/11/2022 06:00 GMT+7

Theo các đại biểu Quốc hội, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng còn phức tạp, chế tài xử lý chưa đủ răn đe dẫn đến người tiêu dùng thiệt thòi. Do đó, luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cần khắc phục được những vướng mắc này.

Từ “thượng đế” trở thành “nô lệ”

Sáng 2.11, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đại biểu (ĐB) Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội), trong quan hệ mua bán thì người tiêu dùng (NTD) được xem như “thượng đế”, nhưng sau khi mua hàng lại thành “nô lệ”. Vì thế theo ông, việc sửa luật lần này cần khắc phục những bất cập trong luật hiện hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Dẫn ra ví dụ NTD mua phải hàng lỗi hay có vấn đề về chất lượng, nhưng lại ngại hoặc không khiếu nại, ông Sơn lý giải do cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Thêm nữa, chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên NTD cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phát biểu tại tổ thảo luận ngày 2.11

Gia Hân

“Cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt, nên chỉ làm hại cho NTD. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi NTD, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của NTD, nên cần phải chấn chỉnh”, ông Sơn nhìn nhận.

Cũng đề cập lo ngại về sức khỏe, NTD khi phải sử dụng dược phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị luật này cần làm rõ trách nhiệm của cả 3 bên: doanh nghiệp, NTD và quản lý nhà nước. “Việc xử lý vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước, những người dân đã sử dụng thuốc không được đền bù thiệt hại là chưa thỏa đáng. Ngay cả một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc đã mua đã được cấp phép, được chứng nhận hẳn hoi”, bà Lan dẫn chứng.

Giải trình ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số đã được quan tâm hơn trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Năm 2021, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công thương, số lượng NTD tham gia mua sắm trực tuyến là khoảng gần 55 triệu người. Tuy nhiên, báo cáo của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho thấy, VN hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng rất cao, với 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021. Từ thực tiễn trên, đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đề nghị chưa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án luật Giá (sửa đổi) và cho hay Chính phủ đề nghị duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Bộ trưởng, quỹ này vừa qua phát huy tác dụng tích cực, hiệu quả trong tạo “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn, giúp mặt hàng này trong nước không tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát. “Diễn biến giá xăng dầu phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết”, ông Phớc nêu.

Tính toán giao đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công thương

Chiều 2.11, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đề xuất giao quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo. “Trước hết cần phải đánh giá lại, trên cơ sở đó mới tính toán phương án theo hướng thống nhất. Hướng là giao cho Bộ Công thương”, Thủ tướng nói.

Trao đổi với báo chí, nhiều ĐB cũng cho rằng việc quy quản lý xăng dầu về một đầu mối và giao cho Bộ Công thương là “hợp lý”. “Lâu nay, Bộ Tài chính, Bộ Công thương là liên bộ nhưng cũng không thể can thiệp sâu vào việc xác định giá. Việc lằng nhằng như vậy khiến việc điều hành không có sự linh hoạt”, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Việc điều hành quỹ phải linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng quỹ. Cũng có ý kiến đề nghị không duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu do bản chất của việc lập quỹ là sự can thiệp của nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi này, sách giáo khoa lần đầu được đưa vào diện nhà nước định giá, kiểm soát giá. Theo đó, nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. "Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân", ông Phớc trình bày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.