'Cô gái đến từ hư vô' và loạt phim học đường đáng chú ý

Thế Sang
Thế Sang
28/05/2021 11:00 GMT+7

Cô gái đến từ hư vô ( tựa Anh : Girl from nowhere) là loạt phim truyền hình đang gây chú ý ở hiện tại. Bên cạnh series này, còn có những tác phẩm truyền hình, điện ảnh về học đường khác tạo dấu ấn với khán giả.

Những tác phẩm dưới đây khai thác nhiều chủ đề học đường như sự trả giá, quá trình trưởng thành, vào đời đầy thương tổn, thậm chí cả những mặt tối như bạo lực, cái ác, sự đố kỵ... với nhiều phong cách khác nhau.

Cô gái đến từ hư vô

Vay mượn chất liệu từ những sự kiện có thật của xã hội Thái Lan, manga Tomie của cây bút vẽ truyện kinh dị lừng danh xứ mặt trời mọc Itō Junji  khắc họa nhiều vấn đề của đất nước Thái và con người nói chung. Và Cô gái đến từ hư vô (Girl from nowhere) là loạt phim lấy cảm hứng từ manga này.
Mùa đầu tiên của loạt phim ra mắt năm 2018, gây tiếng vang tại Thái Lan. Mỗi tập là một câu chuyện độc lập, tất cả đều diễn ra trong trường học; ở mỗi nơi như thế, cô gái Nanno (Chicha Amatayakul đóng) xuất hiện, hòa nhập vào cuộc sống của bạn bè, tìm ra những mặt tối của họ và "dạy" họ bài học nhớ đời.

Cả hai mùa Cô gái đến từ hư vô đều nhận được sự quan tâm của khán giả

Ảnh: Twitter

Mùa 2 vừa lên sóng hồi đầu tháng 5.2021 được cộng đồng mạng chú ý. Ở mùa phim này, các tình tiết trở nên cực đoan, đen tối hơn cũng như các hình phạt của Nanno dành cho những người bạn cũng đáng sợ hơn. Sự xuất hiện của "ác nữ" Yuri (Nink Chanya McClory đóng) - "chị em song sinh" phiên bản rắc rối của Nanno bất ngờ xuất hiện, khiến tuyến truyện càng thêm cuốn hút khán giả. 

Thiên tài bất hảo

Một "bom tấn" khác đến từ xứ Chùa vàng - Thiên tài bất hảo (tựa Anh: Bad Genius - 2017), ra mắt trước Cô gái đến từ hư vô và cũng xoáy vào góc khuất của học đường: gian lận thi cử. Tác phẩm của đạo diễn Nattawut Poonpiriya lấy cảm hứng từ vụ gian lận kỳ thi SAT có thật ngoài đời. 
Nhịp phim lôi cuốn, câu chuyện gây cấn khi đào sâu vào kỹ thuật gian lận thi cử ở quy mô lớn trong Thiên tài bất hảo nhận được sự chú ý của khán giả ở Thái Lan lẫn nhiều thị trường châu Á khác. Trong tuần đầu tiên phát hành tại quê nhà, Bad Genius mang về số tiền trên 44,15 triệu baht (tương đương 1,3 triệu USD) và sau khi hết thời hạn phát hành, Thiên tài bất hảo thu về tổng cộng trên 112 triệu baht. Sau đó, tác phẩm liên tục phá vỡ các kỷ lục mà phim Thái từng gây dựng trước đó tại các thị trường châu Á, trở thành phim Thái Lan ăn khách nhất ở Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia. 

Tác phẩm Thiên tài bất hảo là phim Thái Lan ăn khách nhất năm 2017

Ảnh: Netflix

Từ sự thành công của bản điện ảnh, một tác phẩm truyền hình ăn theo mang tên Bad Genius: The Series với dàn cast mới đã được phát sóng trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9.2020 trên màn ảnh nhỏ của Thái Lan. 

Giáo dục giới tính

Sắp ra mắt mùa 3 sau hai mùa đầu thành công vang dội, series Giáo dục giới tính (Sex Education - 2019) của Anh kể về cuộc sống với những tình huống tìm hiểu về giới tính cười ra nước mắt của những cô, cậu học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Series Sex Education có những tình huống gây cười cho khán giả

Ảnh: Netflix

Với tông màu tươi sáng của tuổi học trò, cùng với những suy nghĩ thú vị của độ tuổi đang trong quá trình tìm hiểu về giới tính, phim có nhiều yếu tố gây cười cho khán giả. Báo chí phương Tây đánh giá cao chất lượng của hai mùa phim đầu và cả hai mùa được chấm lần lượt là 91% và 97% trên trang Rotten Tomatoes. Mùa 3 của loạt phim dự kiến ra mắt trong năm nay. 

Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi

Phim Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi từng "đốn tim" nhiều khán giả khi ra mắt

Ảnh: Star Ritz Productions

Nhắc đến đề tài thanh xuân học đường, không thể bỏ qua bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Cửu Bả Đao là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (You Are the Apple of My Eye - 2011). Bộ phim Đài Loan này kể về tình cảm học trò của anh chàng tinh nghịch Kha Cảnh Đằng (Kha Chấn Đông đóng) và Thẩm Giai Nghi (Trần Nghiên Hy hóa thân) và những dự định vào đời của những cô, cậu đang ngồi trên ghế nhà trường.

Em của thời niên thiếu

Phim Em của thời niên thiếu nhuốm màu u tối

Ảnh: Huaxia Film Distribution

Xoáy sâu vào nạn bạo lực học đường, bộ phim chuyển thể Em của thời niên thiếu (Better Days - 2019) của đạo diễn Tăng Quốc Tường nhận được sự chú ý của khán giả nhiều nơi trên thế giới. Phim có cặp diễn viên Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỉ thủ vai chính, từng giành nhiều giải quan trọng của giải thưởng phim ảnh Hồng Kông và được chọn gửi đi tranh giải Oscar lần thứ 93 hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. 

Dáng hình thanh âm

Dáng hình thanh âm đưa khán giả qua nhiều năm tháng trưởng thành cùng nỗi dằn vặt của nhân vật chính

Ảnh: Kyōto Animation

Một bộ phim học đường khác về lỗi lầm và sự dằn vặt đến từ xứ Phù Tang có thể kể đến là Dáng hình thanh âm (A Silent Voice - 2016) của đạo diễn Yamada Naoko. Ishida Shōya, một cậu học trò hiếu động, luôn bày đủ trò với cô bé khiếm thính Nishimiya Shōko. Để rồi sau này, sự ân hận, hối lỗi luôn thường trực trong Ishida Shōya. Cuối cùng, cậu tìm mọi cách để nói lời xin lỗi cô gái mà mình từng làm tổn thương. Phim có tổng doanh thu phòng vé trên 30 triệu USD. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.