Những tấm thổ cẩm kỳ công
Ngồi trong chiếc khung cửi, chị Sầm Thị Tình, 32 tuổi, dân tộc Thái, ngụ bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nổi bật với tà áo dài cùng với đôi tay khéo léo đưa con thoi qua từng đường chỉ, chị sắp hoàn thành một tấm thổ cẩm tiếp theo.
“Chiếc áo dài này được may từ vải của người dân tộc Thái, hôm nay sẵn dịp ra Sài Gòn dự chương trình khởi nghiệp nên mình mặc để giao lưu với các bạn dân tộc khác và muốn nhiều người quan tâm đến sản phẩm của mình hơn”, chị Tình chia sẻ khi chúng tôi lại bắt chuyện.
Chiếc khung cửi hoạt động liên tục, đôi tay chị kết hợp với đôi chân đều đặn không sai một nhịp nào. Chị Sầm Thị Tình cho biết đối với người phụ nữ dân tộc Thái, khung dệt rất quan trọng, không thể thiếu trong ngôi nhà. Khung được làm từ gỗ tự nhiên, thành phần gồm có go, lược, thoi dệt vải... mất khoảng gần 1 tháng để làm ra bộ khung dệt này.
Gian hàng của chị không chỉ nổi bật với chiếc khung cửi, mà còn phong phú với nhiều mặt hàng từ khăn choàng, bóp ví... được “biến tấu” từ tấm vải thổ cẩm mang đậm màu sắc của người dân tộc Thái. Nổi bật nhất là tấm khăn màu đen to với hình họa tiết con rồng được treo giữa gian hàng của chị.
|
“Đây là tấm khăn trải bàn được dệt bằng vải bông, những sợ chỉ thêu lên đều là tơ tằm. Người làm ra là chị Sầm Thị Giang cùng quê với mình là một người bị xương thủy tinh bẩm sinh, không đi lại được chỉ nằm một chỗ. Chị ấy phải nằm thêu sản phẩm để bán kiếm tiền trị bệnh cho bản thân mình. Chị Giang thêu gần 4 tháng mới ra họa tiết hình con rồng, người bình thường chỉ mất 2 tháng”, chị Tình chia sẻ.
Về quê lập nghiệp vì đam mê
Sinh ra và lớn lên từ cái nôi của nghề dệt cho nên lúc lên 8 tuổi, chị Sầm Thị Tình đã được mẹ dạy về dệt vải, thêu thùa.
“Lúc còn nhỏ mình cũng chưa hình dung phải thêu, dệt như thế nào, cái tầm tuổi đấy là tuổi ăn tuổi học, lúc đó hay nghĩ tại sao mình lại ngồi thêu như thế này, mình cũng muốn đi chơi. Mẹ mình nói là ‘con gái phải biết thêu biết dệt để sau này mình thêu tấm vải tấm áo cho chồng, con. Trong lúc mẹ dạy, có khi mình tiếp thu không được bị mẹ mắng”, chị Tình cười.
Năm 2010, chị Tình tốt nghiệp Trường CĐ Phát thanh Truyền Hình I, tỉnh Hà Nam, nhưng chị không theo nghề mà quyết định theo đuổi đam mê của chính mình. Năm 2016, chị Tình bắt đầu từ những miếng vải vụn. “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc Thái. Nghề này đã giúp mẹ mình nuôi mấy anh em đến bây giờ. Mình muốn giữ gìn và phát triển nghề này hơn”, chị Tình chia sẻ.
Chị Tình cho biết sản phẩm đầu tiên làm ra là những cái túi ví được phá cách từ những tấm thổ cẩm. “Lúc đó mẹ khen mình vui lắm, đem ra thị trường cũng được nhiều người chào đón vì mẫu mã mới lạ và có tính ứng dụng cao”, chị Tình cho biết.
|
Khó khăn trong nghề dệt là đầu ra của sản phẩm chưa được ổn định và lớp trẻ chưa thật sự mặn mà với nghề này. Chị Tình cho biết biết thu nhập làm nghề thêu dệt thấp hơn khi đi làm công nhân ở công ty tư nhân. Thanh niên thì thích làm việc có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.
“Để sản phẩm đẹp hơn thì cần phải có thời gian, vì có những cái khăn phải làm 1 đến 2 ngày mới xong, có cái mất tới 10 ngày...”, chị Tình tâm sự.
Gần 3 năm khởi nghiệp, chị Tình đã có thương hiệu của bản thân với tên cùng với xã của mình là Hoa Tien Brocade tại Hà Nội. Các sản phẩm của cơ sở chị Tình đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như: TP.HCM, Đà Nẵng... và xuất ra các nước Úc, Đức, Canada.
Chị Tình cho biết: “Mình nhớ khi khởi nghiệp gần 1 năm, mình bất ngờ khi có khách hàng người Úc hỏi mua sản phẩm. Lúc đó, mình vừa run, vừa lo, lại không biết tiếng Anh nên phải nhờ bạn làm thông dịch viên. Sau việc đó, mình phải cố gắng từng ngày để trau dồi thêm Anh ngữ”.
Bình luận (0)