Giúp thanh niên thay đổi việc chọn nghề

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/11/2019 07:57 GMT+7

Nhiều sinh viên trường đại học, trường nghề mong muốn Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ định hướng nghề nghiệp , trang bị kiến thức khởi nghiệp và kết nối nhà đầu tư để các dự án được 'bước ra' cuộc sống.

Học nghề cũng rất thành công

Công tác hướng nghiệp cho thanh niên đang có những thay đổi tích cực, tuy nhiên chưa phải tất cả thanh niên đã thực sự hiểu và có khả năng tự định hướng cho mình. Lý do chính vẫn là tâm lý chuộng bằng cấp, muốn học ĐH bằng bất cứ giá nào mà chưa dựa trên sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình. Để thay đổi được suy nghĩ của thanh niên về việc học nghề để lập thân lập nghiệp, thì cần rất nhiều thời gian và sự tác động lớn của xã hội.
Có rất nhiều tấm gương đã thành công bằng con đường học nghề. Có thanh niên trở thành sinh viên xuất sắc và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới, huy chương vàng, bạc tại các kỳ thi tay nghề ASEAN và quốc gia. Sau đó, họ trở thành giảng viên đảm nhận vai trò quan trọng trong các dự án quốc tế, hoặc đi làm tại các doanh nghiệp với mức lương cao. Cũng có thanh niên lại ra lập nghiệp từ một xưởng nhỏ, một doanh nghiệp nhỏ dần phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Hội cần tuyên truyền, chỉ ra cho bạn trẻ những cơ hội để lựa chọn, thay đổi tâm lý trong quá trình chọn nghề cho tương lai. Hội cũng nên có các hoạt động làm cầu nối giữa doanh nghiệp, trường nghề với thanh niên, tạo nhiều sân chơi để giúp thanh niên trải nghiệm nghề nghiệp.
Bùi Tá Vinh (Bí thư Đoàn Trường CĐ Kỹ nghệ 2)

Kết nối nhà đầu tư

Những năm gần đây, vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên đang được quan tâm và hỗ trợ khá nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn một số hạn chế vì bạn trẻ chưa được trang bị nhiều kiến thức về khởi nghiệp, cũng như chưa có một định nghĩa rõ ràng khởi nghiệp là gì, lập nghiệp là gì nên nhiều bạn vẫn chưa có nhận thức đúng, còn nhầm lẫn các khái niệm trên.
Việc nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cho sinh viên về khởi nghiệp là một việc rất quan trọng. Nếu cần thiết thì nên có một “giáo trình chuẩn” để cung cấp những khái niệm, kiến thức và mô hình cơ bản. Bản thân sinh viên có rất nhiều ý tưởng, dự án nhưng để áp dụng vào thực tế thì gặp rất nhiều vướng mắc. Chẳng hạn nhóm mình có dự án khởi nghiệp với mục tiêu là tạo dựng một môi trường giải trí lành mạnh mới cho bạn trẻ (dự án này đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM gia tổ chức), nhưng nhóm đang gặp nhiều vấn đề khi chưa được đào tạo để thực hiện một cách bài bản và chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Hội cần có thêm những hoạt động kết nối nhà đầu tư với những thanh niên đã có ý tưởng được đánh giá cao từ các cuộc thi.
Lê Văn Nhất (Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Giúp người trẻ bớt sống ảo

Khá nhiều người trẻ dùng phần lớn thời gian vào mạng xã hội, ảnh hưởng tới việc học tập và nghiên cứu, hoang phí năng lượng, tiền bạc, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hậu quả là kết quả học tập sa sút, không định hình và xây dựng được kế hoạch cho tương lai, không đủ kỹ năng và phẩm chất để học xong có thể bước vào đời.
Trong khi đó, vẫn có những thanh niên từ bỏ niềm vui “mạng ảo” để hoạt động cộng đồng, giúp đỡ những người khó khăn, đóng góp cho xã hội phát triển như nghiên cứu các đề tài trong và ngoài chuyên ngành, kêu gọi bảo vệ môi trường, lan tỏa cách sống đẹp... Điều đó thật đáng ngưỡng mộ và trân quý.
Hội cần khuyến khích, tuyên dương nhiều hơn nữa những thanh niên như thế và tìm cách lan tỏa, truyền cảm hứng tới những thanh niên đang còn “ngủ mê”, “ngủ quên” trên mạng xã hội, kéo họ ra ngoài cuộc sống thực rất sôi động ngoài kia, với rất nhiều hoạt động ý nghĩa cần sự tham gia của họ.
Hội cũng nên tổ chức các hoạt động cộng đồng, giúp thanh niên trong học tập, nghiên cứu, cùng nhau xây dựng ý tưởng mới, xây dựng những điều tốt đẹp như trồng cây, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Nguyễn Hữu Tuấn (Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.