Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'

Hy Nhân
(Hà Nội)
25/05/2024 07:08 GMT+7

Gần 17 năm nay, tại chùa Hương Lan ở thôn Đông Cựu (xã Đông Sơn, H.Chương Mỹ, Hà Nội) không chỉ có tiếng chuông, tiếng tụng kinh mà còn có tiếng đánh vần, đọc số từ lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa.

Lớp học "biến khuyết thành tròn"

Sở dĩ gọi là lớp học tình thương vì học sinh ở đây hầu hết là trẻ mắc các hội chứng như tự kỷ, bệnh down, chậm phát triển trí tuệ... Từ khi được mở ra, lớp chưa từng bị gián đoạn. Số lượng học sinh luôn duy trì ở mức 50 - 60 em, không chỉ trong xã Đông Sơn mà từ cả một số xã lân cận như Đông Phương Yên, Trường Yên... thậm chí học sinh một số huyện như Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai cũng lặn lội tìm đến lớp học.

Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'- Ảnh 1.

Cô Hòa gắn bó với lớp học tình thương suốt 17 năm bằng lòng yêu thương trẻ thơ kém may mắn

Hy Nhân

Tôi gặp cô giáo Lê Thị Hòa, sinh năm 1973, người sáng lập lớp học tình thương vào tháng 10.2007 trong lúc tranh thủ giờ ra chơi. Cô giáo rạng rỡ kể cô rất biết ơn vì khi đề xuất ý tưởng mở lớp học tại chùa đã được sư thầy trụ trì chùa Hương Lan ủng hộ, đồng hành. Trong suốt những năm qua, có thêm 10 cô giáo khác chung tay cùng cô Hòa duy trì lớp học, giúp đỡ các em học sinh hòa nhập với cộng đồng bằng con đường tri thức, giúp những "vầng trăng khuyết" trở nên tròn trịa hơn.

Cô giáo Hòa có khuôn mặt phúc hậu, hiền hòa và hiện cô đang công tác tại Trường tiểu học Đông Sơn. Tuy công việc giảng dạy tại trường rất bộn bề, lại là người phụ nữ lo toan việc hậu phương trong gia đình nhưng cô rất tâm huyết với lớp học tình thương dù chẳng lương, chẳng thưởng và có thời điểm còn phải nhận về những lời dị nghị, bàn tán.

Là người sáng lập và quán xuyến công việc của lớp học, cô giáo Hòa như "hiệu trưởng" không chức danh của lớp học tình thương. Xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh chị em, bố mẹ cô Hòa đều là trẻ mồ côi không được học hành đến nơi đến chốn, từ bé cô được bố dặn "giúp được gì cho đời con cứ cố gắng mà làm". Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây năm 1992, cô được nhận về công tác tại Trường tiểu học Trường Yên (H.Chương Mỹ).

Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'- Ảnh 2.

Lớp học luôn rộn rã tiếng cười và niềm hạnh phúc

Hy Nhân

Được 3 năm, cô Hòa theo chồng về xã Đông Sơn và chuyển công tác đến Trường tiểu học Đông Sơn. Về làm dâu đất khách, cô không cảm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm mà thường xuyên gần gũi các em học sinh gần nhà, đặc biệt là các em nhỏ khuyết tật trí tuệ, không có cơ hội đến trường. Cô Hòa rất thương và nghĩ cần phải làm điều gì đó giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2002, cô Hòa xin phép chính quyền địa phương mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh khuyết tật tại nhà ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn. Thấy con em trở nên ham học, lễ phép hơn, phụ huynh bảo nhau mang con đến cậy nhờ ngày càng nhiều.

Học sinh đông khiến lớp học trở nên chật chội, cô Hòa đề xuất ý tưởng với sư thầy Thích Đàm Tiền để mở một lớp học rộng rãi trong khuôn viên chùa Hương Lan. Được nhà chùa đồng ý, chính quyền địa phương ủng hộ, cô Hòa cùng các cộng sự nỗ lực trang bị bàn ghế, bảng, sách vở, hệ thống chiếu sáng, nước uống... để mở lớp học vào đúng dịp khai giảng năm học mới 2007 - 2008.

Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, lớp học lại rôm rả tiếng đánh vần, tập đọc, cộng số, ngoài ra các em còn được học thêm giáo lý nhà Phật. Lớp học gồm cả những học sinh khuyết tật và một số học sinh yếu kém của Trường tiểu học Đông Sơn, có cả những bạn học sinh ngoài 30 tuổi mới bắt đầu học chữ.

Bạn Cấn Thị Khuê, ở xã Đông Sơn (H.Chương Mỹ), năm nay 30 tuổi, chia sẻ: "Mình bị khuyết tật từ nhỏ và không được đến trường. Mình được bố mẹ cho học ở đây từ 10 năm trước, các cô rất yêu quý học sinh, bạn bè hòa đồng nên cứ cuối tuần là mình lại đến lớp, chẳng bao giờ bỏ buổi học nào".

Những người mẹ hiền

Lớp học đặc biệt cần phải có phương pháp dạy học đặc biệt. Qua năm tháng, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người kế tiếp mà chẳng có một giáo án khuôn mẫu rập khuôn nào cả. Lớp được chia làm 2 nhóm gồm các em có khả năng tiếp thu sẽ tập đọc, làm toán, luyện chữ và nhóm thứ hai gồm những em tiếp thu chậm sẽ học tập tô, đánh vần...

Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'- Ảnh 3.

Cô Hòa dạy chữ cho những em đã lớn tuổi mới có cơ hội đến lớp

Hy Nhân

Cô giáo Trần Thị Thoa, xã Đông Sơn, đã gắn bó với lớp học 15 năm nay, chia sẻ: "Các cô đến với lớp bằng tấm lòng yêu trẻ, mong các cháu được vui vẻ, hòa nhập tốt với cộng đồng, đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi".

Cô Hòa kể để dạy được các em khuyết tật thì phải có tình yêu giống như của người mẹ, bởi các em tiếp thu chậm hơn, phải kiên trì, vừa dạy vừa dỗ, có khi cả tháng mới dạy đọc được vài chữ. Ngoài ra, một số em có tâm lý cực đoan, chưa được gia đình quan tâm đúng mức nên cắn, đánh cô trong lúc dạy học. "Lúc bị cắn, tôi vội ôm con vào lòng chịu đau. Cả hai cô trò đều khóc cho đến khi qua cơn đau mới thôi", cô Hòa kể.

Chị Lê Thị Hạnh, phụ huynh học sinh, chia sẻ: "Khi lên đây, các cô thương cháu, cầm tay dạy chữ nên đến giờ cháu đã viết được. Hạnh phúc nhất là khi con gọi mẹ không bập bẹ như trước, tôi không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn các thầy, các cô".

Đối với các em khuyết tật trí tuệ, ước mơ của các em rất giản dị, trong sáng vì để đạt được những ước mơ đó, các em phải nỗ lực gấp hai, gấp ba người bình thường. "Có em ước mơ làm bác sĩ, có em thích được làm chú bộ đội, còn có em chỉ ước làm anh công nhân, tự nuôi sống bản thân... đối với người khác có thể bình thường nhưng đối với các em đó là sự vươn lên rất mạnh mẽ của ý chí và nghị lực", cô Hòa tâm sự.

Sau 17 năm bền bỉ gieo chữ, đã có hàng chục em học sinh "tốt nghiệp" và có thể tự đi làm nuôi sống bản thân như các em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân... Còn những người mẹ hiền ở lớp học tình thương vẫn nguyện sẽ tiếp tục công việc đến khi nào còn sức khỏe, không để bị gián đoạn kể cả trong những lúc khó khăn nhất. Ngay cả quãng thời gian cô Hòa sinh con và bị nhiễm trùng sau mổ năm 2012, "người mẹ cả" cũng chỉ nghỉ ngơi 1 tháng rồi quay lại lớp vì sợ lớp học tan rã nếu bị gián đoạn.

Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'- Ảnh 4.

Lớp học lúc nào cũng đông vui tiếng cười nói của cô và trò

Hy Nhân

Ngoài hoạt động tại lớp học tình thương, trong những năm qua, cô Hòa còn năng nổ vận động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Tính đến nay, cô đã vận động ủng hộ, quyên góp được khoảng 500 triệu đồng giúp đỡ các gia đình khó khăn; vận động nhà hảo tâm xây mới 4 căn nhà tình nghĩa trong xã Đông Sơn. Năm 2019, cô Lê Thị Hòa vinh dự trở thành một trong 10 Công dân thủ đô tiêu biểu. "Niềm hạnh phúc nhất của tôi là được thấy học trò khôn lớn, vui vẻ, trưởng thành và tự lập cuộc sống", cô Hòa nghẹn ngào tâm sự.

Cô giáo của 'những vầng trăng khuyết'- Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.