Vừa đi, cô Thùy Loan vừa kể một vụ việc đáng nhớ cách đây không lâu. Một chiều, có một người lạ mặt đứng thập thò trước một lớp học. Chị này đòi đón bé A., chị ta còn đọc được tên ở nhà của bé và kêu "mẹ cháu có việc bận, nhờ tôi đón giùm". Cô giáo mầm non phụ trách lớp đó không trả trẻ, yêu cầu phụ huynh này không được vào lớp và gọi ngay cho mẹ bé kiểm tra. Mẹ bé hốt hoảng "không, tôi không nhờ ai đón con tôi giùm cả". Người lạ mặt kia vội vàng chạy mất.
Cô Loan chia sẻ: "Trực giác của các cô giáo mầm non, khả năng ghi nhớ hết khuôn mặt của các phụ huynh đưa đón trẻ mỗi ngày luôn có sẵn trong mỗi người làm nghề nuôi dạy trẻ. Điều đó vô cùng cần thiết để bảo đảm an toàn hàng đầu cho các bé".
Trưởng thành từ lò tráng bánh của mẹ
Cô Lâm Thị Thùy Loan sinh ra và lớn lên ở H.Củ Chi, TP.HCM. Cha là thương binh, mẹ có nghề làm bánh tráng phơi sương. Từ nhỏ, những ngày thành phố nóng như chảo lửa, cô bé Thùy Loan và em gái vẫn ngồi hàng giờ trong lò tráng bánh giùm mẹ.
Lớn lên một chút, cô Loan từng muốn thi vào công an mà chiều cao không cho phép. Từ lời khuyên của người cậu, cô thi vào Trường trung học sư phạm mầm non của TP.HCM trước đây. "Tôi ở ký túc xá, mỗi cuối tuần thì về thăm nhà một lần. Muốn đến trường thì phải đi xe buýt và xe lam. Tình cờ chọn nghề giáo viên mầm non nhưng càng làm mình càng thấy yêu trẻ, gắn bó. Đến bây giờ mình gắn bó với trẻ mầm non đã 25 năm", cô Thùy Loan nhớ lại.
1 cô bối rối trước 45 trẻ
Năm 1998, mới ra trường cô Loan được phân công về dạy tại Trường mầm non 25, bây giờ là Trường mầm non Họa Mi 3, P.3, Q.5. Cô giáo trẻ măng ngày ấy còn nhớ một lớp rất đông, khoảng 45 bé mới 3 tuổi (ngày đó không có lớp nhà trẻ, trẻ 3 tuổi mới đến trường mầm non).
"Mỗi lớp có 2 giáo viên phụ trách, hôm ấy cô giáo kia phải đi họp, một mình tôi quản lớp. Loay hoay giữa 45 trẻ mới đi học, bé thì la khóc, bé thì mách cô, bé cứ chạy theo đòi cô bồng ẵm, bé thì đánh nhau ầm ĩ, lần đầu tiên tôi có cảm giác bất lực, buồn bã vô cùng khi không biết làm sao", cô Thùy Loan hồi tưởng.
Những khó khăn ngày đầu cũng qua. Thời gian thử thách ấy giúp cô giáo học hỏi thêm được rất nhiều điều để có kinh nghiệm chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn.
Vốn năng động, cô Thùy Loan nhiều năm là Bí thư Đoàn thanh niên nhà trường, tham gia công tác Công đoàn. 12 năm 5 tháng gắn bó với ngôi trường đầu tiên, cô giáo cho biết đó luôn là những năm tháng tươi đẹp trong hành trình làm nghề của mình.
Ngày ấy học cụ, đồ chơi cho trẻ mầm non không có sẵn nhiều như bây giờ mà chủ yếu do các cô giáo tự tay làm. Có những ngày các cô giáo phải ngồi từ sáng tới khuya để cùng trang trí lớp học, làm học cụ cho các bé bằng các vật liệu tái chế.
"Nghề này cho tôi được lớn lên cùng trẻ. Nhìn các con từ xa lạ trường lớp trở thành em bé tự tin, yêu trường lớp, khôn lớn sau mỗi ngày là sự động viên tinh thần để chúng tôi yêu nghề hơn. Những em bé đầu tiên tôi dạy dỗ bây giờ đã 22 tuổi. Mừng nhất là tình cờ một ngày tôi gặp lại phụ huynh các em. Phụ huynh khoe bé nay đã tốt nghiệp đại học, bé trở thành luật sư, có bé đang học bác sĩ", cô giáo hạnh phúc kể.
Mỗi trẻ em là mỗi năng lực khác nhau
Trong thời gian công tác, vừa đi dạy ban ngày, cô bền bỉ học thêm vào các buổi tối, các cuối tuần.
Năm 2011, cô giáo tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và thạc sĩ quản lý giáo dục Trường ĐH Sài Gòn được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng mầm non 10 (P.10, Q.5). 4 năm sau, cô giáo là Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, Q.5.
Trước khi trở thành Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, Q.5 vào tháng 12.2022, cô giáo yêu nghề còn có 4 năm là là Hiệu trưởng Trường mầm non 1 (P.1, Q.5).
"Mỗi ngôi trường cho tôi những cơ hội được làm việc cùng những em bé với những năng lực phẩm chất, hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau. Có những em nhỏ rất thông minh, giỏi giang. Và không ít những em nhỏ học ở trường chuyên biệt gặp thiệt thòi về thể lực cũng như trí tuệ. Đó là những em nhỏ cần sự yêu thương, quan tâm nhiều hơn hết. Tôi rất xúc động và tri ân những đồng nghiệp, các cô giáo, bảo mẫu đã tận tụy, giúp các em ấy tiến bộ từng chút một", cô giáo bộc bạch.
Nhiều năm, vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm, cô Thùy Loan và nhiều nhà hảo tâm trở về thăm Trường chuyên biệt Tương Lai, tặng quà, động viên các em nhỏ.
Cô giáo 25 năm kinh nghiệm trong nghề luôn quan niệm mỗi trẻ mầm non là mỗi năng lực, hoàn cảnh khác nhau. Người làm nghề chăm sóc, nuôi dạy trẻ cần có sự yêu thương trẻ, kiên nhẫn. Khi thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ và bao dung thì hãy chọn nghề và gắn bó với nghề. Còn nếu không, hãy chọn ngành nghề khác. Giáo viên hay tức giận, nóng nảy, không thể kiên nhẫn với những câu hỏi ngây ngô, non nớt sẽ đều khiến trẻ em gặp nguy hiểm và thiệt thòi rất lớn.
Đồng thời, người chăm sóc, dạy dỗ trẻ cần quan tâm, yêu thương các em thật công tâm, đừng để ai bị tổn thương.
"Một số cô giáo, bảo mẫu thường có tâm lý thích ôm, ẵm bồng những em bé trắng trẻo, bụ bẫm. Trẻ rất nhạy cảm. Những em bé còn lại sẽ tổn thương với những suy nghĩ 'tại sao cô chỉ yêu thương những bạn khác mà không phải mình?'", cô giáo trăn trở.
Bình luận (0)