Những cô giáo 'không chịu ngồi yên'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/05/2023 07:31 GMT+7

Luôn sáng tạo trong cách dạy dỗ học trò, tận tâm đến với trẻ bằng yêu thương, có chông gai khó khăn cũng không bỏ cuộc, đó là hành trình của nhiều cô giáo mầm non, tiểu học ở TP.HCM.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và thạc sĩ giáo dục tại Trường ĐH Sài Gòn, cô Nguyễn Thị Cẩm Đan, Hiệu trưởng Trường mầm non Tây Thạnh 2 (Q.Bình Tân, TP.HCM), trải qua hành trình làm giáo viên (GV) tại nhiều trường mầm non trước khi trở thành cán bộ quản lý.

Những cô giáo 'không chịu ngồi yên' - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Đan và các bé mầm non

NVCC

"Tôi cũng có con trong độ tuổi đi học. Tôi từng mơ ước mình và con mình được học tập trong môi trường như thế nào thì khi trở thành GV mầm non và sau này là hiệu trưởng, tôi biến những giấc mơ biến thành sự thật, để những điều tuyệt đẹp thuộc về mọi đứa trẻ", cô giáo quê ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) bộc bạch.

Người khuyên bảo mẫu đi… tìm việc khác

Quản lý nhân sự vốn là một thách thức với nhiều cán bộ quản lý trường mầm non. Ở cương vị hiệu trưởng, cô Cẩm Đan đã lan tỏa những giá trị hạnh phúc trong nghề, biết trân trọng công việc nuôi dạy trẻ cao quý tới nhiều GV trẻ. Đặc biệt, một ngôi trường muốn hạnh phúc, ở đó chắc chắn sẽ không có bạo lực.

Cô Đan còn nhớ một kỷ niệm nhiều năm trước, khi cô đang là quản lý ở một trường mầm non, nhận thấy một cô bảo mẫu trong trường có hành vi làm đau trẻ, ngay sau đó cô gặp riêng bảo mẫu và khuyên cô nên thôi làm nghề này và đi tìm việc khác.

"Tôi nói chuyện thẳng thắn với em ấy, rằng nếu ngày hôm nay tôi làm lơ chuyện này đi, thì với tính cách nóng nảy của em, biết đâu một ngày em có thể khiến những đứa trẻ gặp nguy hiểm, còn em sẽ vào tù. Khi em nóng tính, em đi rửa chén, em có thể đập bể vài cái chén và đền tiền cho chủ là xong. Nhưng tính cách này hoàn toàn không phù hợp với một người chăm trẻ - nghề mà sự yêu thương, kiên nhẫn, bao dung với trẻ phải cao hơn tất cả mọi thứ", cô Đan kể.

Nữ nhân viên bảo mẫu đã xin nghỉ việc, trước đó cô Đan và nhiều đồng nghiệp cùng quyên góp được một khoản tiền để cô bảo mẫu có vốn làm ăn. Nữ bảo mẫu sau đó đi làm công nhân trong một khu công nghiệp và hiện có cuộc sống khá ổn, vẫn giữ liên lạc với cô Đan.

Làm sao để trẻ được trải nghiệm nhiều nhất

Cô Cẩm Đan luôn tâm niệm làm sao trong những năm tháng đầu đời ở mái trường mầm non, trẻ phải được trải nghiệm nhiều nhất để từ đó học hỏi, phát triển bản thân.

Trong năm học, tại Trường mầm non Tây Thạnh 2, trẻ em học theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT trong từng độ tuổi. Căn cứ trên giáo trình này, các GV sáng tạo căn cứ tùy theo điều kiện của nhà trường và số đông phụ huynh để trẻ nhỏ được trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau.

Ví dụ bữa xế hôm nay trẻ được ăn món chè trôi nước thì ngay trong buổi sáng, trẻ được mang đồ làm bếp và cùng nhau trộn bột, nặn bánh. Cách này giúp trẻ vừa có thêm trải nghiệm nghề đầu bếp, cũng là một cách rèn vận động tinh cho đôi tay. Thay vì trẻ chỉ học vẽ ông mặt trời trên giấy thông thường, cô Đan cho trẻ ở các lớp cùng ra công viên gần trường, nhặt lá khô, xếp hình ông mặt trời. Những hoạt động bước ra ngoài thiên nhiên vừa khiến trẻ thích thú, tốt cho sức khỏe và giúp trẻ khám phá thiên nhiên tốt hơn…

"Vừa rồi trẻ nhỏ được học chủ đề động vật hoang dã. Trong hoạt động tổng kết chủ đề, tôi bàn với các GV cùng cho trẻ được cắm trại, mô phỏng cắm trại trong rừng ngay tại sân trường. Phụ huynh cùng được vào trường với con, cùng dựng trại, làm thịt nướng, khoai lang nướng, trẻ em rất vui, học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích", cô giáo "không chịu ngồi yên" ở Q.Bình Tân bày tỏ.

Những cô giáo 'không chịu ngồi yên' - Ảnh 2.

Cô giáo Đặng Hà Phương được nhiều học sinh, phụ huynh yêu mến

THÚY HẰNG


Bài học quý từ đôi bàn tay

Ở Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM), cô giáo Đặng Hà Phương được nhiều học sinh, phụ huynh yêu mến vì những sáng tạo trong giảng dạy.

Cô Phương tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn năm 2015. Từng đi thực tập tại các trường tiểu học, trước khi về Trường tiểu học Kỳ Đồng công tác, cô Phương còn xin đi dạy không lương tại các trường quốc tế. "Tôi muốn có thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy để tiếp cận học sinh tốt hơn", cô giáo tiểu học chia sẻ.

Được phân công dạy lớp 1 - lớp mà các học sinh mới từ trường mầm non lên còn nhiều bỡ ngỡ, cô giáo trẻ kiên trì giúp trẻ sớm đi vào nền nếp.

Mỗi ngày lên lớp, không chỉ hoàn thiện xong giáo án, cô Phương luôn dành thời gian để quan sát, tâm sự thêm cùng những học trò để hiểu hơn về tính cách của từng em, những khó khăn mà các em đang trải qua. Đặc biệt, với phương châm cùng học, cùng chơi với học sinh, cô giáo trẻ ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng để mang đến cho học sinh những cách mới để tiếp cận kiến thức.

"Tôi quan niệm dạy dỗ mỗi đứa trẻ như vun trồng mỗi cái cây non. Cần sự nghiêm khắc, uốn nắn sớm nhưng cũng không thể thiếu những điều yêu thương để những tán cây vươn cao", cô Phương bày tỏ.

Cô giáo trẻ cho hay mình học hỏi được từ nhiều đồng nghiệp những phương pháp giáo dục hay và mang tới cho học trò. Nhưng cũng chính những học sinh đã nhiều lần khiến cô giáo "tan chảy" và ngẫm ra những bài học quý.

Cô Phương xúc động kể: "Tôi sẽ chẳng thể nào quên được lần ấy một em học sinh mắc lỗi. Tôi nghiêm mặt nhắc nhở em. Không khí xung quanh thật im lặng, căng thẳng. Bất ngờ, bé gái ấy cầm lấy đôi bàn tay tôi và áp vào đôi má của em và nhìn tôi trìu mến. Sự buồn giận đã tan biến, nhường chỗ cho sự xúc động. Trước đây mỗi khi bày tỏ yêu mến, muốn động viên bất cứ một trò nào, tôi đều dùng đôi bàn tay mình áp vào đôi má các em và trò chuyện. Em học sinh hẳn đã rất quan tâm tới tôi và yêu thương cô giáo của em biết chừng nào…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.