Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện

05/06/2023 09:00 GMT+7

Năng nổ, nhiệt tình trong công tác từ thiện, luôn tích cực kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho người nghèo, người già neo đơn hay các cụ ở viện dưỡng lão…, đó là nét tính cách dễ thấy từ cô Lê Thị Thuận, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Phạm Phú Thứ (Quảng Nam).

Trong trái tim những người đồng nghiệp, các em học sinh ở ngôi trường này, cô Lê Thị Thuận luôn là tấm gương nhà giáo đầy nhiệt huyết với nghề. Không chỉ tận tâm với nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cô còn tích cực sẻ chia, lan tỏa yêu thương sống đẹp.

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 2.

Những món quà thật ý nghĩa cho những bé chuẩn bị bước vào cấp học mới tại trường Mẫu giáo Điện Trung

TGCC

Trở lại thăm ngôi trường chúng tôi đã từng học, bước vào khuôn viên trường, đón chúng tôi là những hàng cây xanh tốt và những khóm hoa tươi tắn được cắt tỉa gọn gàng, bắt mắt như có bàn tay của những người thợ thủ công trang trí lành nghề. Đặc biệt là dàn hoa lan đang trổ hoa rực rỡ. Tôi may mắn gặp lại cô giáo dạy sử năm xưa…

Trò chuyện cùng thầy giáo Phạm Ngọc Cước – hiệu trưởng trường THPT Phạm Phú Thứ, thầy cho biết, trong mỗi tiết dạy của mình, cô luôn đem đến những bài giảng thú vị, sinh động, kích thích tư duy sáng tạo cho mỗi học sinh. Vì thế, trong giờ cô Thuận đứng lớp, học sinh luôn cảm thấy vui vẻ, hăng say học hành.

Tâm niệm làm việc thiện là giúp ích cho đời, cho người, vậy nên cô cùng những thành viên câu lạc bộ "Tô cháo thương yêu" của nhóm Gò Nổi tiếp tục công việc của mình để chia sẻ, nâng đỡ được nhiều hơn các hoàn cảnh khó khăn và những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống ngay tại địa phương và những vùng lân cận. Cô đã vận động được hàng trăm suất quà là nhu yếu phẩm, quần áo... để trao cho người nghèo, người già neo đơn.

Về cơ duyên làm từ thiện, cô cho biết: "Hoạt động từ thiện này đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi khi còn thơ bé, nhất là khi nơi mình sinh ra cũng là một miền quê nghèo khó. Khi tết đến, tôi thấy mẹ thường đóng gạo, đồ ăn đem trao cho những người già neo đơn, người nghèo trong thôn xóm...".

Là giáo viên dạy sử nên cùng với sở thích khám phá vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của quê hương, cô thường tìm hiểu để giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn nơi cô đến. Như một con ong miệt mài chăm chỉ, cô đã kết nối được rất nhiều từ đồng nghiệp, học trò cũ, bà con xóm làng để "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui".

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 3.

Em Phạm Thanh Quân lớp 12/4 mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lớp 11, được cô và cựu học sinh đỡ đầu

TGCC

Với phương châm "trao đi yêu thương, nhận lại niềm tin", bạn bè, đồng nghiệp trong và nước ngoài đã nhờ cô làm cầu nối. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhọc nhằn nhưng điều đáng quý, cô giáo của tôi vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ mọi người, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các trẻ em vùng cao, đồng bào lũ lụt, bệnh nhân tâm thần. Theo cô, bản thân mình cũng từng phải điều trị bệnh lâu dài nên hơn ai hết cô hiểu nỗi lòng của những cảnh ngộ không may mắn…

"Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học, tôi chưa bao giờ hối tiếc về lựa chọn của mình. Được truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhìn thấy các em trưởng thành, đó là niềm vui lớn nhất của tôi. Mảnh đất, con người nơi đây giờ là quê hương mình, nên tôi gắn bó, yêu thương và đồng cảm vô cùng", cô tâm sự.

Cô còn cho biết khi làm thiện nguyện, luôn tâm niệm 6 chữ: "Cho đi là còn mãi mãi". Mỗi khi nhận được thông tin về một trường hợp nào đó gặp khó khăn, cô cùng các hội viên lại nỗ lực tìm cách giúp đỡ bằng cách đăng tin trên mạng xã hội, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Mỗi khi có thông tin hồi đáp, nhận được sự ủng hộ của ai đó, cô lại vui mừng, phấn khởi như chính mình được giúp đỡ vậy. Khi dịch Covid-19 "càn quét", cô cùng với các thành viên đã tổ chức nhiều chuyến đi thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng khẩu trang và nước sát khuẩn cho học sinh của trường và địa bàn lân cận. Hằng tháng cô cùng các thành viên tổ chức hai lần "nồi cháo tình thương" phát cho người già neo đơn hay người có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 4.

Đoàn đến với Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức

TGCC

Cảm kích trước việc làm đầy ý nghĩa và tấm lòng của cô nên sau mỗi lần cô kêu gọi giúp đỡ thông qua Facebook hoặc Zalo, các thầy cô giáo trong trường, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã nhiệt tình ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của cô giáo dạy sử là tấm gương cho đồng nghiệp trong cơ quan và các em học sinh học tập.

"Từ những trải nghiệm có được qua những chuyến xe chở nặng ân tình của cô, cô đã kể lại những câu chuyện về những mảnh đời mà cô đã gặp cho chúng em. Qua đó, chúng em biết đến những khát khao của các em nhỏ bị khuyết tật được đến trường học; sự háo hức, hạnh phúc của những em mồ côi khi đón nhận một vòng tay ôm ấm áp... Chúng em hiểu, cùng chia sẻ và cảm nhận rằng, trong cuộc sống còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Vậy thì chúng em phải nỗ lực để sống có trách nhiệm hơn với bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng. Biết đâu sau này chúng em có duyên với thiện nguyện sẽ nối tiếp con đường cô đã chọn đi để gieo những hạt giống đẹp cho cuộc đời", em Phạm Thanh Quân, lớp 12/4 chia sẻ.

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 5.

Tình người nơi vùng quê Gò Nổi - luôn gắn kết yêu thương với người già, trẻ em, người bệnh với suất cháo 0đ

TGCC

Trong gia đình nhỏ của mình, cô là người mẹ hiền, người vợ đảm hết lòng vun vén, chăm sóc tổ ấm, nuôi dạy con cái. Hai con cô giờ đã khôn lớn, trưởng thành nên cô càng dành nhiều thời gian hơn cho công tác thiện nguyện. Cũng có những lúc nhiều địa điểm mà cô đến làm từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, để đến nơi cần cứu trợ phải mất nhiều thời gian, công sức; song được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, học trò và sự động viên, tạo điều kiện của đồng nghiệp đã giúp cô hoàn thành tốt công tác giảng dạy của mình.

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 6.

Những đóng góp của cô đã được ghi nhận khi cô được mời tham dự Đại hội Hội từ thiện Quảng Nam lần V (2022-2027)

TGCC

"Tôi tự hào về người đồng nghiệp của tôi - một tấm gương để chúng tôi học tập về nghị lực vượt lên khó khăn và tấm lòng yêu thương, biết sẻ chia trong cuộc sống. Điều này rất cần với chúng ta để lan tỏa những yêu thương cho cộng đồng, để có một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn", thầy Phạm Ngọc Cước, hiệu trưởng trường THPT Phạm Phú Thứ xúc động chia sẻ.

Cô giáo tôi đam mê làm thiện nguyện - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.