Cô giáo trẻ 14 năm miệt mài bám trò - gieo chữ tại xã biên giới vùng cao

20/10/2022 08:15 GMT+7

Điểm trường thôn Nà Nũng A là một trong những điểm trường khó khăn nhất tại xã biên giới Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang . Tuy nhiên, nhiều cô giáo trẻ chọn cắm bản ở lại với học trò, tạm gác hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao.

Quãng đường 12km với đèo dốc quanh co và núi đá hiểm trở… là con đường hằng ngày mà các thầy cô giáo đến với các em học sinh ở xã biên giới Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Điểm trường thôn Nà Nũng A có 3 lớp tiểu học và chỉ có duy nhất 1 lớp ghép dành cho các em học sinh từ 3 tuổi đến 5 tuổi. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên rời miền xuôi lên đây công tác từ năm 20 tuổi. Đến nay cô đã có 14 năm đồng hành cùng trẻ em vùng cao.

Các cô giáo trẻ ở Hà Giang phải băng rừng, vượt suối để đến với học trò vùng cao

trung hiếu

"Giáo viên vùng cao thì có rất là nhiều khó khăn. Chúng mình phải xa gia đình, xa người thân, xa bố mẹ, xa con cái. Và thứ hai đó là con đường di chuyển của chúng mình thì rất là vất vả, địa hình hiểm trở, khó khăn. Ở trên vùng cao này thì mưa lũ thường xảy ra thì lúc đó có thể mình bị kẹt lại ở 1 đoạn nào đó và sẽ phải nhờ giúp đỡ của bà con nhân dân thì lúc ấy mình mới di chuyển về hoặc là di chuyển vào được", cô Liên chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên đứng lớp hướng dẫn các em học chữ

trung hiếu

Tại đây, nhiều em học sinh chưa thạo tiếng phổ thông. Các em được thầy cô tăng cường dạy tiếng Việt khi tới trường. Ngoài giờ lên lớp, cô Liên và các thầy cô giáo còn là người cha, người mẹ thứ hai, chăm sóc cho học trò. Trẻ mắc các bệnh thường gặp như viêm tai, viêm mũi, ho… đều được tận tình chữa trị (thầy cô ko phải bác sĩ, mình viết thế này dễ gây tranh cãi, bỏ câu này nhé). Phụ huynh nơi đây ai cũng dành tình cảm cho các thầy cô. Họ hoàn toàn yên tâm khi gửi gắm con em mình đi học.

Đa số các trường hợp học sinh ở vùng cao tỉnh Hà Giang đều có hoàn cảnh khó khăn

trung hiếu

“Các thầy cô giáo ở đây rất là tốt, rất là thương học sinh. Thầy cô đã xin được cho học sinh nhiều quần áo ấm để mặc, nấu cho học sinh cơm để ăn và dạy các bé nhiều bài học bổ ích. Tôi rất tin tưởng các thầy cô nên đã gửi con ở đây để đi làm việc nương rẫy", bà Dà Thị Cáy, phụ huynh học sinh cho biết.

Điểm trường thôn Nà Nũng A hiện có 4 thầy cô giáo cùng 84 em học sinh. Những ngày này, thời tiết tại vùng cao biên giới ngày càng lạnh. Khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô vẫn nỗ lực bám trường, bám lớp, gắn bó với học trò.

Hàng chục năm gắn bó với nghề giáo viên ở vùng cao khiến nhiều giáo viên trẻ chưa có thời gian tính đến hạnh phúc gia đình

trung hiếu

"Về những khó khăn của các bạn nhỏ ở đây so với các bạn miền xuôi ấy, thì là thứ nhất là về ngôn ngữ, các em nhỏ trên này nói tiếng còn phổ thông còn chậm. Thứ hai là về chất lượng cuộc sống, trên này thì thiếu thốn rất là nhiều. Về cô Liên thì cô Liên là một cô giáo yêu nghề, mến trẻ. Chị ấy rất nhiệt huyết và rất là hăng hái, hăng say trong công việc và là một người có lối sống, cách sống để tụi mình học hỏi và noi theo. Là một tấm gương để chúng mình phấn đấu và cố gắng trở thành một thầy cô giáo như thế trong tương lai", thầy giáo Hoàng Đình Thi, điểm trường Nà Nũng A cho biết.

Những món đồ chơi và dụng cụ học tập được làm từ chính đôi bàn tay của các thầy cô giáo nơi đây. Dù giản đơn, nhưng gửi gắm bao yêu thương với những học trò nơi bản nghèo này để giữ chân các em đến lớp học con chữ mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.